Lương y Đại Đạo (1901-1985)

LƯƠNG Y TRẦN PHI THỨC- HIỆU: ĐẠI ĐẠO ( 1901-1985)

CHỦ TỊCH HỘI ĐÔNG Y ĐẦU TIÊN CỦA TỈNH BẮC NINH

Lương y Trần Phi Thức – Hiệu Đại Đạo, sinh ngày 25/2/1901 tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội ( Tỉnh Hà Tây cũ) trong một gia đình nhà nho có truyền thống khoa bảng. Vân Canh là một làng tiến sỹ  ở đất Thăng Long xưa, mà vẫn có câu ca: “ Nhất Mỗ, Nhì La, thứ ba Canh Cót”, tổ phụ của cụ có 5 vị đậu tiến sỹ, có vị đỗ đầu chế khoa (tương đương trạng nguyên) là cụ Trần Bá Lãm, với tác phẩm “La thành cổ tích vịnh” mà lịch sử khoa bảng đã vinh danh. Thân sinh ra cụ cùng mấy anh em đều đậu cử nhân tú tài, đây là những khoa thi cuối cùng của nho học (1903)

Những nhà trí thức xưa vẫn có câu: “Nho y lý số, thánh hiền khả dụng” song các cụ tổ của cụ vẫn thiên về học thuật “nho y”. Có cụ đỗ đạt ra làm quan, có cụ ở nhà làm thuốc dạy học. Vì “ bất vi lương tướng vi lương y”.

Thân sinh cụ (cụ tú cả Trần Thự) có câu thơ tự nhạo mình:

“Cao tình tiếu ngạo viên sơ thú,

Phù thế nhiêu tha ổi lối trường”

nghĩa là:

“Thú quê riêng tớ vui vườn cũ.

Đời nổi thây ai giở tấn trò”

Để đến với nghề thuốc, cụ đã phải trải qua nhiều đận gian lao. Vào thời buổi nhiễu nhương, ông nội làm quan Hàn lâm viện thị độc – “Xung quốc sử quán biên tu” trong triều đình từ quan về làm thuốc dạy học. Gia phả chép”: triều đình nhiều lần triệu ra làm quan, nhưng tính cụ không thích sự luồn cúi, nên nhất quyết từ chối; vì thế triều quan vẫn có ý ngờ vực. Vả lại lúc ấy nạn cướp hoành hành, nhà bị cướp mấy lần; kế đến cụ cố bà và cụ bà lại mất, gia cảnh sa sút túng bấn, trong hoàn cảnh ấy cụ phải đi phu đồn điền cao su ở Đồng nai. Nhưng sức vóc học trò không quen lao động chân tay, lại bị cai đồn điền đánh đập hành hạ, song nhờ những môn thuốc gia truyền của nhà, cụ chữa giúp cho những culi ở đồn điền, nhiều người khỏi và đỡ. Cảm cái ơn ấy, họ chung tiền nhau mua cho cụ một suất thuế thân để trốn về quê.

Về nhà cụ phải làm qua nhiều việc khác nhau để mưu sinh, song có người anh cả Trần Giác làm thuốc có hiệu thuốc” Hoà An Đường” gọi về làm cùng. Sau một vài năm cụ vào thọ giáo cụ lang Độ, ở xã Tiên Huân, Sơn Tây. Cụ lang Độ là bậc đạo đức, giỏi y thuật đã  hết lòng săn sóc dạy bảo, cộng với sự nỗ lực của bản thân, cụ đã nắm vững được cơ bản về y lý và nghề nghiệp, nên sau về vùng Yên Viên, Từ Sơn, Bắc Ninh mở nhà thuốc Đại Đạo Đường. Sau đó kháng chiến bùng nổ cụ tham gia vào tự vệ đoàn, phân hội binh sỹ bị thương, làm công tác bình dân học vụ ở huyện Từ Sơn, phân hội Liên việt Phú Bình , Thái Nguyên,… Từ tháng 9/1948 đến năm 1951 cụ làm cố vấn đặc biệt cho viện bào chế liên khu Việt Bắc.

Hoà bình lập lại năm 1954, cụ đưa gia đình hồi cư về Yên Viên, Từ Sơn, Bắc Ninh và mở lại hiệu thuốc Đại Đạo Đường như xưa. Đến năm 1958, Hội Đông Y Việt Nam được thành lập, cụ tham gia vào hội và được bầu làm Chủ tịch hội Đông Y tỉnh Bắc Ninh đầu tiên. Đến năm 1959 nhà nước cử cụ đi học lớp châm cứu khoá 1 của Hội Đông y Việt Nam ở Hà Nội, Năm 1960, cụ được nhà nước mời về làm việc tại khoa đông y bệnh viện tỉnh Bắc Ninh, tiếp theo cụ được cử đi học lớp bồi dưỡng lớp giảng viên châm cứu năm 1961 do Trung ương hội mở tại Nghi Lộc, Nghệ An.

Theo lịch sử của Hội Đông Y Bắc Ninh và Hà Bắc thì cụ giữ những cương vị:

  1. Chủ tịch Hội Đông Y Bắc Ninh Khoá 1: Từ 1958-1964
  2. Chủ tịch Hội Đông Y Hà Bắc nhiệm kỳ 1: Từ 1964-1969

Từ năm 1972, cụ được điều về công tác chuyên trách ở tỉnh hội đông y Hà Bắc cho đến khi về hưu ( 1/5/1975)

Trong quá trình công tác, cụ đã cùng các vị lương y trong tỉnh chỉ đạo và tham gia các công tác  như sau: Xây dựng hội lớn mạnh, đào tạo bồi dưỡng nhiều thế hệ các thầy thuốc , các y bác sỹ về chuyên môn đông y và châm cứu; chỉ đạo và tham gia biên soạn các tài liệu kế thừa kinh nghiệm chữa bệnh và các bài thuốc quý. Tổ chức và tham gia dập dịch ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tất cả những thành tích này đã được lịch sử tỉnh hội ghi nhận. Trong quá trình công tác, cụ được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của UB hành chính tỉnh, của Trung ương Hội Đông Y, Kỷ niệm chương kháng chiến.

Cụ là một lương y từ tâm, hết lòng vì người bệnh, để lại trong lòng nhân dân nhiều ấn tượng tốt đẹp. Cụ luôn luôn phổ biến, hướng dẫn mọi người kinh nghiệm sử dụng thuốc nam trong phòng và trị bệnh, cụ sáng tác những bài văn vần để mọi người dễ nhớ về cách sử dụng thuốc nam điều trị các loại bệnh.

Về chuyên môn, cụ luôn chăm chỉ nghiên cứu sách vở cũng như kinh nghiệm của các đồng nghiệp; cùng các cụ lương y trong tỉnh giao lưu trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn. Cụ được mọi người đánh giá có chuyên môn sâu và vững vàng. Trong một hội nghị các thầy thuốc đông y ở tỉnh Bắc Ninh, giáo sư Nguyễn Tài Thu có nói: Ở Bắc Ninh có nhiều cụ lang giỏi, nhưng tôi biết cụ lương y ĐẠI ĐẠO là một thầy thuốc rất giỏi về y lý và châm cứu; cũng trong một hội nghị khác, GS Dương Trọng Hiếu có nói: “Tôi biết ở Bắc Ninh có cụ ĐẠI ĐẠO rất giỏi về chuyên môn, thuốc men, châm cứu”

Khi xưa, cụ cũng hay giao lưu thơ phú với các cụ Ngô Tất Tố, Ngô Văn Lân (người dịch Hoàng hán Y học), cụ Dương Hữu Nam (thân sinh giáo sư Dương Trọng Hiếu) và rất nhiều các cụ nhà nho khác.

Đối với con cái cụ rất nghiêm khắc và chăm lo chuyện học hành, cụ thường dậy con cái các bài ca vè về thuốc nam, châm cứu. Cụ sinh được 10 người con, trong gia cảnh khốn khó, trải qua 2 cuộc  kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; tản cư sơ tán nhiều nơi nhưng các cụ luôn chăm lo cho sự học của các con. 8/10 người con của cụ đều được học hết đại học trở thành kỹ sư, bác sỹ. Cụ thường căn dặn con cháu: “ Làm nghề gì thì cũng phải giữ lấy chữ đức, nhất là nghề thuốc càng phải đặt chữ đức lên hàng đầu. Phải sống làm sao chg lòng mình luôn trong sạch và thanh thản”

Nối tiếp sự nghiệp của cụ, trong số đó có một người con của cụ đã và đang theo nghề của cụ đó là lương y Trần Đức Nhuận – Phó Chủ tịch Hội đông y thành phố Bắc Ninh và một người cháu của cụ là Trần Đức Tuấn- Thạc sĩ chuyên ngành YHCT hiện đang làm Phó giám đốc Trung tâm y tế thành phố.

                                                                     Trần Đức


XEM THÊM