LƯƠNG Y NGUYỄN KHẮC BẢO – YÊU NGHỀ VÀ TRÂN TRỌNG DI SẢN VĂN HÓA DÂN TỘC.

Tọa lạc ngay cạnh thành cổ Bắc Ninh có làng cổ có tên là Làng Chọi. Cư dân làng ở trải dài hai triền Nam, Bắc của dòng sông Ngũ Huyện Khê. Cách đây trên 500 năm làng có cụ Nguyễn Thượng Nghiêm đỗ Tiến sỹ đời vua Lê Thánh Tông và chùa làng có quả chuông Diên Phúc Tự trên 400 năm, là quả chuông cổ nhất xứ Kinh Bắc. Làng Chọi không chỉ nổi tiếng là làng quan họ cổ mà còn nổi tiềng là làng có nhiều nhà thuốc Đông y gia truyền với nhiều thầy thuốc lương y chữa bệnh có tiếng tăm trong vùng. Đặc biệt nơi đây có nhiều thầy thuốc Đông y đều lấy tên là Lang Chọi hay Cao Chọi hay ông lang Chọi… Trong đó nổi tiếng nhất là phải nối đến nhà thuốc Hiệu Cao Chọi ở số nhà số 8 Trần Hưng Đạo thành phố Bắc Ninh do lương y Nguyễn Khắc Bảo. Lương y Nguyễn Khắc Bảo sinh năm 1947, trong một gia đình có truyền thống Nho học và chuyên nghề bốc thuốc cứu người, tại làng Chọi (TP. Bắc Ninh).

Lương y Nguyễn Khắc Bảo tuổi đã gần 80 nhưng còn tinh anh hoạt bát. Ông cho biết: “ Nhà tôi làm nghề Đông y đã nhiều đời lắm rồi, ở nhà thờ Tổ tại làng Chọi còn bức hoành phi “Tất Phục Kỳ Thủy”( Tất yếu sẽ khôi phục được nghề kỳ diệu như thuở đầu tiên). Do vậy con cháu trong gia tốc hành nghề ở đâu cũng có danh xưng “Lang Chọi”, “Cao Chọi”, các cụ nhà tôi trước còn có danh xưng nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc như cụ Lang Quảng, cụ Lang Thể, Lương y cũng kể với tôi hành trình đến với nghề tổ của mình: “Lúc trẻ tôi đi dạy học môn Toán nhưng do yêu thích nghề Đông y chữa bệnh cho người lại muốn giữ lấy nghề gia truyền của các cụ để lại nên ông  đành tạm biệt ngành Giáo dục về theo nghề Đông y gia truyền”.

Về với ngành Đông y với những khối sách của các cụ để lại tủ sách gần 5.000 cuốn toàn là chữ Hán với chữ Nôm. Ông nhận thấy chữ và nghĩa trong sách thuốc đều đi liền với nhau, muốn trở thành thầy thuốc giỏi phải chịu khó đọc và hiểu, muốn vậy thì phải học thêm về chữ Hán Nôm nên phải tự học thêm về chữ Hán Nôm. Về Đông y ông tự nghiên cứu các sách cổ kim về y lý, dịch hai cuốn y thư của gia đình: “Y thư tiệp ký” 248 trang và “Gia truyền tạp bệnh kinh nghiệm chư khoa” 450 trang.

Cùng với quá trình đọc sách, nghiên cứu các bài thuốc cổ phương, các bài thuốc gia truyền mà bệnh nhân đến chữa bệnh ngày một đông, hiệu thuốc Cao Lang Chọi của ông trở nên nổi tiếng, hàng nghìn người đã đến được ông khám bệnh, bắt mạch và kê đơn điều trị. Ngoài ra từ những bài thuốc gia truyền ông đã chế thành các chế phẩm cao đan hoàn tán như thuốc đặc trị các bệnh về dạ dày, đại tràng “Tràng Bách Mộc”, điều trị phong thấp có sản phẩm “Khang Kiện Cốt”. Các sản phẩm này ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại nên thân thiện hơn với người tiêu dùng.”

Trong công tác hội ông cũng luôn sẵn lòng trao đổi kinh nghiệm chuyên môn cùng với các thầy thuốc lương y trong Hội. Với vốn lý luận thực tiễn, ông đã viết nhiều bài viết đăng trên Tạp chí Đông y của Tỉnh và có bài viết băng chữ Nho được Hội đông y tỉnh gửi dự thi ở Trung ương. Làm đông y từ năm 1989 đến 1991 thi và được hội Đông Y và Sở Y tế Hà Bắc cấp bằng hành nghề y học dân tộc được bầu vào BCH hội Đông y của thành phố Bắc Ninh và tỉnh Hà Bắc, được cử đi dự đại hội Đông y Việt Nam năm 2005. được nhiều giấy khen bằng khen của hội Đông Y thành phố Bắc Ninh và tỉnh Bắc Ninh, hai lần được tặng bằng khen của Hội Đông y Việt Nam năm 2002 và 2003”.

Cùng với công việc gia truyền Lương y Nguyễn Khắc Bảo cũng rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện của Hội Đông y thành phố Bắc Ninh, của Hội Đông y tỉnh như các đợt khám bệnh, phát thuốc cho bà con trong vùng.

Với vốn chữ Hán Nôm sâu rộng ông đã đọc và dịch nhiều các sách Hán Nôm cổ. Trong dịp đoàn lãnh đạo Hội Đông y tỉnh về chùa Giám ở Cẩm Giàng- Hải Dương đã chụp ảnh những chữ Nho khắc trên quả chuông gửi cho ông và ông đã dịch hết các chữ viết trên đó. Các chữ đó đã nói lên một ý nghĩa rất lớn đó là: chùa Giám mà nơi thiền sư Tuệ Tĩnh tu luyện và làm thuốc xưa kia thuộc vùng xứ Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay).

Ông là một nhà nghiên cứu văn hóa văn học dân gian nổi tiếng trong tỉnh và cả nước ông từng được soạn đôi câu đối ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh treo ở văn phòng tỉnh ủy Bắc Ninh. Ông góp ý vào các câu đối ở Văn Miếu Bắc Ninh, ở lăng Kinh Dương Vương, Đền Đô, Đền thờ Lý Thường Kiệt và nhiều câu đối cho các Đình chùa nhà thờ họ, cổng làng trong tỉnh Bắc Ninh. Nhưng điều đáng chú ý nhất là ông sưu tầm 140 bản Kiều nôm quốc ngữ cổ và bằng vào vốn Hán Nôm Văn Học ông đã xuất bản được 14 đầu sách về Truyện Kiều, chỉnh sửa và phục nguyên được 879 chữ trong 629 câu so với bản Truyện Kiều thông dụng nhất của học giả Đào Duy Anh và được tín nhiệm bầu giữ chức Phó chủ tịch hội Kiều học Việt Nam.

Do có những cố gắng đó, ông đã được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen của Bảo tàng Bắc Ninh, Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam, Hội Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Hội Đông Y tỉnh và được Bằng tuyên dương khen thưởng của quỹ khuyến học khuyến tài Phạm Văn Trà, Bằng khen của UBND tỉnh Bắc Ninh, bằng khen của Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch. Ngắm nhìn những bằng khen đó tôi cũng thống nhất với ông là thành quả đáng quý, nhất là hai cuốn sách thuốc gia truyền được phiên âm ra quốc ngữ để lưu truyền đời sau và hai công trình nghiên cứu, tinh tuyển phục nguyên Truyện Kiều được UBND tỉnh Bắc Ninh trao giải Nhì giai đoạn 2012-2016 và giải nhất giai đoạn 2017-2022.

Hoàng Duẩn. tháng 11/2023

Theo bản tin Đông y Bắc Ninh số 2/2023

 


XEM THÊM