Niềm tin sắt son
Sau chuyến tới Đền Bia và khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc
Vào dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ chí Minh- Danh nhân văn hóa thế giới. Bác Hồ muôn vàn kính yêu cho nguyên lý “ Học phải đi đôi với hành”, càng làm chúng tôi háo hức đón 3 tin vui khi tỉnh Hội Đông Y tỉnh Bắc Ninh chính thức tổ chức buổi học thực hành các nhóm cây thuốc Nam tại Đền Bia. Kết nạp học viên lớp 23YS 0802 – K3 chính thức thành Hội viên thuộc văn phòng tỉnh Hội. Đồng thời thăm quan khu di tích cấp nhà nước Côn Sơn- Kiếp Bạc.
Sáu giờ sáng, sau khi thắp nén nhang cụ Hải Thượng Lón Ô ại Văn phòng tỉnh Hội. Đoàn chúng tôi với hơn 40 thành viên đi lên xe xuất phát hướng về tỉnh Hải Dương. Sau hơn một giờ xe chạy qua vùng đất địa linh nhân kiệt của hai tỉnh Bắc Ninh – Hải Dương, chúng tôi về đền Bia, thôn Văn Thai, Xa Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng. Thuyết trình viên tại chùa cho biết khu vực thuộc Đền rộng 4ha và chia thành 3 khu:
Khu thờ tự gồm 5 công trình: Nghi môn, Thủy lăng, Bức bình phong bằng đá, hai bên là Tả vu, hữu vu.
Khu y xá gồm 3 công trình nhà bắt mạch kê đơn thuốc, nhà bốc thuốc và nhà chẩn trị. ấn tượng sâu sắc, khó quên nhất là được sờ tay vào Tấm bia đá có từ thời hậu Lê và cảm nhận chắc chắn của niềm tin, cảm giác vững chãi đến khó tưởng như 4 câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên :
Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa
Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hoà
“ Tấm bia đá ” như sức sống trường tồn của tự nhiên cũng giống như ngành Đông y nước nhà cũng sẽ còn mãi theo thời gian. Lại nhớ câu hát của tác giả mà tôi không nhớ tên, cả tên bài có câu hát: “… Niềm tin sắt son chắp cánh cho con, vượt chông gai qua những nẻo đường ”. Ngành Đông y có nguồn gốc từ thiên nhiên và con người cuối cùng đều phải trở về với tự nhiên. Nơi đây biết bao thế hệ đã nối tiếp bước theo con đường bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Vĩnh viễn và mãi mãi.
Khu vườn thuốc Nam rộng1200m2 được chia làm 9 ô tương ứng với 9 bài thuốc là 9 nhóm bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Lớp học viên được chia đôi: Tốp 1 do thầy Nguyễn văn Lâm ( Chủ tịch Hội Đông y Bắc Ninh) hướng dẫn. Tốp 2 do thầy Nguyễn Văn Minh ( Giáo viên chủ nhiệm ) hướng dẫn nhận dạng các cây thuốc. Tại vườn thuốc Nam cũng có biển gỗ sơn trắng giới thiệu từng nhóm câythuốc và tên cây thuốc gồm:
Nhóm cây thuốc chữa cảm sốt: Cỏ nhọ nhồi, cối xay, cúc tần, hương nhu tía, kinh giới.
Nhóm cây thuốc chữa Lỵ: Cỏ sữa lá nhỏ, khổ sâm, mơ tam thể.
Nhóm cây thuốc chữa đau nhức: Cà gai leo, địa liền, hy thiêm,lá lốt, cỏ xước
Nhóm cây thuốc chữa cơ xương khớp: Ké đầu ngựa, kim ngân, phèn đen, lá đơn đỏ, bồ công anh.
Nhóm cây thuốc chữa ho: Húng chanh, gừng, tía tô, quýt, xạ can.
Nhóm cây thuốc điều kinh: Ngải cứu, huyết dụ, ích mẫu.
Nhóm cây thuốc chữa xuất huyết: Cỏ tranh, cỏ mần trầu, sắn dây, trắc bách diệp
Nhóm cây thuốc chữa tiêu chảy: Diệp hạ châu, cối xay, lá lốt, sài đất, cỏ sữa, xương khỉ
Nhóm cây thuốc chữa viêm gan siêu vi trùng: Dành dành, hạ khô thảo, an xoa, xạ đen, Hoa actiso.
Nguồn dược liệu vô cùng phong phú, khiến tôi như lạc vào rừng, còn rất nhiều những cây thuốc cùng tính vị quy kinh, công dụng, sự kết hợp giữa chùng mà ta chưa biết, chưa hay. Với kiến thức như thế này này, tôi sẽ hành nghề sao đây! Chắc chắn còn phải cần nhiều hơn nữa những trải nghiệm như thế này và tôi nguyện chuyên cần, cố gắng nhiều hơn.
Sau hơn 1 giờ tại vườn thuốc, chia tay vườn dược liệu, màu xanh cây lá như hy vọng gặp lại. Dưới bầu trời đầu hè khá mát mẻ, tiếng ve râm ran như hát chúc mừng. Trước sự chứng kiến của đất trời khu đền Bia. Ông Nguyễn Văn Lâm – Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh Bắc ninh chủ trì lễ kết nạp Hội viên trực thuộc văn phòng tỉnh Hội. Chúng tôi đã tập trung lại rất nhanh do mong muốn được làm hội viên của hội và hoàn tất lễ kết nạp trang trọng đúng thủ tục, giản dị nhưng rất cảm động vì đó là tự nguyện, là tâm nguyện cống hiến và mong cầu cho sự nghiệp Đông y tỉnh nhà trường tồn theo những năm tháng và cũng không thể nào quên này, bởi lẽ :
Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả.
Dù mai sau muôn vạn lần hơn !
Chia tay đền Bia trong tâm trạng “ Thầy thuốc như mẹ hiền”, chừng 20 phút xe chạy chúng tôi đến chùa Giám, xã Cấm Sơn, huyện Cẩm Giàng. Nơi Thiền sư Tuệ Tĩnh đã từng hành nghề thuốc để cứu người cách đây hơn 6 thế kỷ. Hiện chùa đang được xây dựng lại theo kế hoạch cuối năm 2025 mới hoàn thành. Tuy nhiên Đoàn chúng tôi vẫn được đón tiếp hết sức chu đáo do có sự hỗ trợ của anh Hiền ( Chủ tịch Hội Đông y thành phố Chí Linh). Đoàn được thầy trụ trì chùa Giám cùng tụng kinh và nghe chia sẻ, giới thiệu lịch sử hình thành, các đợt trung tu, ngôi chùa nắm giữ bảo vật “ Cửu phẩm liên hoa ” . ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là hình ảnh uy nghi của các pho tượng phật, với màu sắc hài hòa, giản dị đã cho thấy sự tiếp nối của thời gian và quá trình tồn tại đến vô cùng. Cảm nhận sự yên bình, thanh tịnh của cụm di tích đền Giám. Đâu đó tôi cảm thấy có bóng dáng của Thiền sư đang chăm sóc vườn thuốc, đang sống và đang chữa bệnh cứu người ở nơi này. Phải chăng tấm lòng cứu nhân độ thế của Thiền sư vẫn mãi còn đến tận bâygiờ . Thật tự hào vì trong gian lao, khó nhọc, tinh thần của những người con đất Việt lúc mạnh, lúc yếu song “ Hào kiệt đời nào cũng có ”. Chúng ta nguyện mãi đi theo, kế tục và phát triển
Văn hóa ẩm thực của bữa trưa tại nhà hàng Việt Tiên Sơn ( Chị Phương số điện thoại 0384 917 490) đã được chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết. Món ăn tuy giản dị nhưng khá tinh tế tại nhà hàng giúp chúng tôi ăn rất ngon miệng. Một chút hơi cay từ rượu Ba kích mang đi từ Tỉnh hội, những chai rượu Vang dành cho phái đẹp như tình thân sau những tháng năm cùng học dưới mái trường Đông y mà chúng tôi đang dựng xâycho tương lai của chính mình. Cảm nhận của tôi từ bữa ăn như là “ Món ăn bài thuốc ” theo cả 2 nghĩa tinh thần và vật chất. Sự đoàn kết gắn bó được nâng lên một bước khi được giao lưu của các tiết mục văn nghệ, các giọng ca, điệu múa dù nghiệp dư nhưng cho thấy khả năng tiềm tàng của một thế hệ kế tục giàu tiềm năng của ngành Đông Y vùng Kinh Bắc. Đồng thời góp phần không nhỏ để gia tăng niềm tin vào cộng đồng bằng những chuyến đi không thể nào quên.
Chia tay nhà hàng bằng lời cảm ơn của một bữa ăn ngon và những cái bắt tay thân tình, những nụ cười rạng rỡ “ Đến hẹn lại lên ” . Xe lại đưa chúng tôi đến khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Chùa Côn Sơn tọa lạc tại xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh. Nơi thờ Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc . Côn Sơn đã hội tụ được các giá trị to lớn về nhiều mặt: Lịch sử, văn hóa, tôn giáo và thắng cảnh. Côn Sơn – nguồn cội, tôi muốn nói lời biết ơn, xin khắc cốt ghi tâm và nguyện sống xứng đáng hơn
Đền Kiếp Bạc thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh là nơi thờ phụng Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Khu vực Kiếp bạc ba phía có dãy núi rồng bao bọc, 1 phía là lục đầu giang (sông Thương, sông Cầu, sông Lục nam, sông Đuống, sông Kinh thầy, sôngThái Bình). Nơi hội tụ và gắn kết tạo thế rồng chầu, hổ phục. Cảnh vật trên bến dưới thuyền cùng với địa hình rộng rãi hàng năm tổ chức lễ hội để dâng hương tưởng niệm vị anh hùng dân tộc, người có công lớn với đất nước và được dân gian tôn sùng là đức Thánh Trần. Vinh quang đời đời thuộc về dân tộc Việt.
Trên đường về lại tỉnh Hội, chúng tôi như cảm thấy thời gian đang chậm lại. Lắng đọng trong tôi là lòng biết ơn các thế hệ đi trước đã để lại những tài sản vô giá trong đó có có ngành Đông y và các bài thuốc đã được học, các cây thuốc Nam là vô cùng phong phú. Tôi nguyện kết nối để học tập, để kiến thức của mình thêm phong phú và cảm ơn tỉnh Hội Đông Y Bắc Ninh đã tổ chức một buổi thực hành thiết thực và đầy ý nghĩa.
Một lần nữa xin cảm ơn Tỉnh Hội Bắc ninh, thành Hội Đông y thành phố Chí Linh, tỉnh Hải dương. Chúc tất cả các bạn trong lớp đã cùng chung vai gánh vác góp phần vào thành công trong chuyến đi này. Chúc các bạn sức khỏe, đoàn kết, cùng thành công và hẹn gặp lại những chuyến đi tiếp ./.
Bạch Hoàn, Hải dương tháng 5/2024