ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG CỦA PHƯƠNG PHÁP CẤY CHỈ CATGUT
ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA KHỚP GỐI NGUYÊN PHÁT
Dương Thị Lợi và cộng sự
ĐẶT VẤN ĐỀ
Cấy chỉ là một phương pháp châm đặc biệt, dùng chỉ tự tiêu trong y khoa (catgut) lưu vào huyệt, để duy trì kích thích lâu dài, mục đích gây tác dụng giảm đau kéo dài hơn và liên tục hơn. Ở Việt Nam, cấy chỉ bắt đầu được ứng dụng từ năm 1971 và có tác dụng tốt với nhiều bệnh như hen phế quản, thoái hóa khớp, loét dạ dày tá tràng…
Thoái hóa khớp (THK) là một bệnh lý mạn tính bao gồm tổn thương sụn khớp là chủ yếu, kèm theo tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và màng hoạt dịch. Đây là một bệnh được đặc trưng bởi các rối loạn cấu trúc và chức năng của một hoặc nhiều khớp (và/hoặc cột sống). Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của thoái hóa khớp vẫn còn chưa rõ ràng, tuy nhiên nhiều giả thuyết cho rằng vấn đề lão hóa do tuổi tác và tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài là những nguyên nhân chính dẫn tới thoái hóa khớp.
Mặc dù, THK gối không gây ảnh hưởng cấp thiết tới tính mạng, nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới giảm dần khả năng vận động, thậm chí bị tàn phế.
Điều trị THK gối theo Y học hiện đại (YHHĐ) bao gồm nhiều phương pháp: không dùng thuốc, dùng thuốc, ngoại khoa…Mặc dù y học có những bước phát triển vượt bậc nhưng đến nay vẫn chưa có một loại thuốc nào điều trị khỏi hoàn toàn THK. Hiện nay, việc điều trị THK gối chủ yếu là dùng các nhóm thuốc giảm đau, chống viêm toàn thân hoặc tiêm trực tiếp vào khớp gối. Mặc dù các nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm đau, làm chậm quá trình THK, nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ như gây xuất huyết tiêu hóa, suy thận, suy gan…
Theo Y học cổ truyền (YHCT) thoái hóa khớp gối thuộc phạm vi chứng tý. Nguyên nhân do phong, hàn, thấp xâm phạm kết hợp can thận hư mà gây nên bệnh, việc điều trị thường kết hợp cả châm cứu với dùng thuốc YHCT.
Phương pháp cấy chỉ vào huyệt điều trị thoái hóa khớp gối đã được tiến hành tại nhiều cơ sở y tế đã đem lại kết quả giảm đau nhanh và hồi phục vận động khá tốt. Mục tiêu đề tài:
- Đánh giá tác dụng giảm đau và cải thiện vận động khớp gối trên bệnh nhân thoái hóa khớp gối nguyên phát bằng phương pháp cấy chỉ.
- Khảo sát các tác dụng không mong muốn của phương pháp cấy chỉ.
Khớp gối là một khớp phức tạp gồm các thành phần: Đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, xương bánh chè, sụn khớp, hệ thống dây chằng và bao khớp. Ngoài ra còn có hệ thống mạch máu, thần kinh chi phối, nuôi dưỡng, vận động. Khớp gối có bao hoạt dịch rất rộng, khớp lại ở nông nên dễ bị va chạm và tổn thương.
Khớp gối gồm hai khớp:
Khớp đùi - chày (khớp lồi cầu hay khơp bản lề).
Khớp đùi – bánh chè (khớp phẳng).
Các mặt khớp (đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, các sụn chêm, xương bánh chè)
Phương tiện nối khớp (bao khớp, màng hoạt dịch)
Năm hệ thống dây chằng (dây chằng trước bên, dây chằng trước, dây
chằng sau, dây chằng bắt chéo ở hố gian lồi cầu, các dây chằng sụn chêm)
Các cơ gấp và duỗi cẳng chân
Ngoài ra còn có các hệ thống mạch máu và thần kinh chi phối nuôi dưỡng, vận động.
1.2 Bệnh thoái hóa khớp gối theo Y học hiện đại (YHHĐ)
Thoái hoá khớp (THK) gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố: di truyền, phát triển, chuyển hóa và chấn thương. Thoái hóa khớp liên quan đến tất cả các mô của khớp động, cuối cùng biểu hiện bởi các thay đổi hình thái, sinh hóa, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến nhuyễn hóa, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn.
Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm 80% trường hợp thoái hóa khớp gối.
1.2.2 Triệu chứng của thoái hóa khớp gối
* Triệu chứng lâm sàng của thoái hóa khớp gối
– Đau: Đau kiểu cơ học tăng khi vận động (đi lại, lên xuống dốc, ngồi xổm…), đau giảm khi nghỉ ngơi, đau với tính chất âm ỉ, có thể đau nhiều về chiều (sau một ngày lao động). Đau diễn tiến thành từng đợt ngắn tùy trường hợp, hết đợt đau, sau đó tái phát đợt khác.
– Dấu hiệu “phá gỉ khớp”: Là dấu hiệu cứng khớp buổi sáng thường ngắn dưới 30 phút.
– Hạn chế vận động (khó khăn với một vài động tác), đi lại khó khăn, có thể hạn chế vận động nhiều phải chống gậy nạng hoặc không đi lại được.
– Tiếng động bất thường tại khớp xuất hiện khi vận động: Nghe thấy tiếng “lắc lắc”, “lục cục” tại khớp khi đi lại.
– Dấu hiệu bào gỗ: Di động bánh chè trên ròng rọc như kiểu bào gỗ thấy tiếng lạo xạo, gây đau tại khớp gối.
– Một số bệnh nhân xuất hiện khớp sưng to do các gai xương và phì đại mỡ quanh khớp, hoặc do có tràn dịch khớp gối (dấu hiệu bập bềnh xương
bánh chè). Một số trường hợp có thoát vị bao hoạt dịch ở vùng khoeo.
*Các phương pháp thăm dò trong chẩn đoán THK gối.
Chụp XQ khớp gối thường quy: Có 3 dấu hiệu cơ bản:
– Hẹp khe khớp không đồng đều, hẹp không hoàn toàn, ít khi dính khớp hoàn toàn trừ THK giai đoạn cuối.
– Đặc xương ở phần đầu xương dưới sụn, phần xương đặc có thể thấy một số hốc nhỏ sáng hơn.
– Gai xương tân tạo ở phần tiếp giáp xương và sụn, gai thô, đậm đặc.
Nội soi khớp gối: Là phương pháp quan sát và đánh giá trực tiếp các tổn thương của sụn khớp, màng hoạt dịch, gai xương, sụn chêm là thăm dò có giá trị.
Siêu âm khớp gối: Có giá trị phát hiện tràn dịch khớp gối, giúp phân biệt các dấu hiệu bào mòn khớp hoặc định hướng chọc hút dịch và tiêm khớp.
1.2.3 Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp gối.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo ACR 1991 (American College of Rheumatology).
- Có gai xương ở rìa khớp (trên phim Xquang ).
- Dịch khớp là dịch thoái hóa.
- Tuổi trên 38
- Cứng khớp dưới 30 phút.
- Có dấu hiệu lục khục khi cử động khớp.
Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1, 2, 3, 4 hoặc 1, 2, 5 hoặc 1, 4, 5.
– Các dấu hiệu khác:
+ Tràn dịch khớp: Đôi khi thấy có, do phản ứng viêm của màng hoạt dịch.
+ Biến dạng: Do xuất hiện các gai xương, do lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch.
1.2.4 Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối.
* Nguyên tắc điều trị
– Giảm đau trong các đợt tiến triển.
– Phục hồi chức năng vận động khớp, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp.
– Tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc, lưu ý tương tác thuốc và các bệnh kết hợp ở người cao tuổi.
– Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
* Điều trị nội khoa
– Vật lý trị liệu: Các phương pháp siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn có hiệu quả cao
– Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng nhanh
– Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm (DMADRs)
– Cấy ghép tế bào gốc (stem cell transplantation)
* Điều trị ngoại khoa
– Điều trị dưới nội soi khớp:
– Phẫu thuật thay khớp nhân tạo:
1.3. Bệnh THK gối theo quan niệm của y học cổ truyền(YHCT)
Theo YHCT, thoái hóa khớp gối được quy vào nhóm bệnh danh chứng tý và do can, thận hư kết hợp với phong, hàn, thấp gây ra.
1.3.1. Thể phong hàn thấp tý: 3 thể.
– Nếu do phong là chính gọi là phong tý (hành tý):
Triệu chứng: Các khớp đau di chuyển, co duỗi khó, sợ gió, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
Pháp điều trị: Khu phong là chính, tán hàn, trừ thấp, hoạt huyết, hành khí.
– Nếu do hàn là chính gọi là hàn tý (thống tý):
Triệu chứng: Đau dữ dội một khớp, trời lạnh đau tăng, chườm nóng đỡ đau, tay chân lạnh, sợ lạnh, rêu trắng mỏng, mạch huyền khẩn hoặc nhu hoãn.
Pháp điều trị: Tán hàn là chính, khu phong, trừ thấp, hành khí hoạt huyết.
– Nếu do thấp là chính gọi là thấp tý (trước tý):
Triệu chứng: Các khớp nhức mỏi, đau một chỗ, tê bì, đau các cơ, bệnh lâu ngày, vận động khó, miệng nhạt, rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu hoãn, người nặng nề, mệt mỏi.
Pháp điều trị: Trừ thấp là chính, tán hàn khu phong, hành khí hoạt huyết.
1.3.2. Thể phong thấp nhiệt tý:
Triệu chứng: Các khớp đau, chỗ đau có cảm giác nóng rát, sưng, đỏ. Co duỗi các khớp khó khăn, khớp đau chườm lạnh có cảm giác dễ chịu. Các khớp sưng đau làm cho vận động khó khăn. Toàn thân thường phát sốt, miệng khô, tâm phiền, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hoạt sác .
Pháp điều trị: Thanh nhiệt trừ thấp, sơ phong thông lạc.
1.3.3. Thể can thận hư
Triệu chứn: đau ở một khớp hoặc 2 khớp, đau tăng khi vận động đi lại. Kèm theo triệu chứng của can thận hư như: Đau lưng, ù tai, ngủ kém, nước tiểu trong, tiểu đêm nhiều lần, mạch trầm tế.
Pháp chữa: Khu phong trừ thấp, bổ can thận khí huyết.
1.4 .Về phương pháp cấy chỉ vào huyệt
Cấy chỉ là phương pháp điều trị bằng luồn chỉ, chôn chỉ, thắt buộc chỉ dưới huyệt, còn gọi là “Huyệt vị xuyên tuyến, mai tuyến, kết trác liệu pháp”, là phương pháp dùng chỉ tự tiêu trong y khoa (chỉ catgut) lưu lại một huyệt trên kinh lạc nào đó, mục đích gây kích thích lâu dài để gây tác dụng trị liệu. Cấy chỉ là một phương pháp châm cứu đặc biệt. Đây là một bước tiến mới của châm cứu.
Cơ chế tác dụng của cấy chỉ cũng chính là cơ chế tác dụng của châm cứu.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Bệnh nhân được chọn vào nghiên cứu đáp ứng tiêu chuẩn chọn bệnh nhân và tiêu chuẩn loại trừ khỏi nghiên theo các tiêu chuẩn sau đây:
Tiêu chuẩn lựa chọn: Bệnh nhân trên 38 tuổi không phân biệt giới tính, thời gian mắc bệnh, nghề nghiệp… thỏa mãn:
* Y học hiện đại
– Được chẩn đoán THK gối theo tiêu chuẩn của Hội Khớp học Mỹ (American College of Rheumatology – ACR) (1991).
* Y học cổ truyền
– Bệnh nhân THK gối thể phong hàn thấp tý theo YHCT.
– Tự nguyện tham gia nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu lâm sàng mở so sánh trước và sau điều trị
Tiêu chuẩn đánh giá: Mốc thời gian theo dõi, đánh giá và so sánh hiệu quả trước và sau điều trị của nhóm nghiên cứu như sau:
+ D0: Thời điểm đánh giá trước khi điều trị.
+ D15: Thời điểm đánh giá sau 15 ngày điều trị.
+ D30: Thời điểm đánh giá sau 30 ngày điều trị.
– Các thông tin đánh giá tại các thời điểm từ D0, D15, D30 gồm:
+ Mức độ đau theo thang điểm VAS, Lequesne, chức năng vận động khớp gối theo thang điểm Lequesne: Chỉ số càng cao thì bệnh càng nặng.
+ Chức năng vận động khớp gối: Đánh giá qua tầm vận động khớp (gấp khớp gối) và qua chỉ số gót – mông..
2.3. Phương pháp phân tích số liệu
Tất cả các số liệu thu được từ nhóm nghiên cứu được xử lý theo phương pháp thống kê Y học bằng phần mềm SPSS 16.0
Kết quả nghiên cứu được coi là có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.
3.1 Đặc điểm chung của nhóm bệnh nhân nghiên cứu
3.1.1 Đặc điểm phân bố bệnh nhân theo tuổi
Tuổi | n | % |
38 – 49 | 7 | 21.9 |
50 – 64 | 13 | 40.6 |
≥ 65 | 12 | 37.5 |
Tổng | 32 | 100 |
(min, max) | (42 ; 82) | |
X ± SD | 60.72 ± 11.24 |
Nhận xét:Tuổi THK gối tập trung vào lứa tuổi trên 50. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân nghiên cứu là 60.72 ± 11,24; thấp nhất là 42, cao nhất 82.
3.1.2 Đặc điểm phân bố bệnh nhân theo giới
Bảng 2. Sự phân bố về giới
Giới | n | % |
Nam | 12 | 37.5 |
Nữ | 20 | 62.5 |
Tổng | 32 | 100 |
Nhận xét: bệnh nhân chủ yếu là nữ 20 bệnh nhân chiếm 62.5%; Nam 12 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 37.5%.
3.1.3 Đặc điểm thời gian mắc bệnh
Bảng 3. Đặc điểm về thời gian mắc bệnh
Thời gian mắc bệnh(năm) | n | % |
< 1 năm | 5 | 15.6 |
1- 5 năm | 13 | 40.6 |
> 5 năm | 14 | 43.8 |
Tổng | 32 | 100 |
X ± SD | 5.31 ± 3.16 |
Nhận xét: Nhóm > 5 năm có 14 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 43.8%; Nhóm 1-5 năm có 13 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 40.6%; Nhóm < 1 năm có 5 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 15.6%;
Thời gian mắc bệnh trung bình là 5.31 ± 3.16 (năm)
3.1.4 Phân bố vị trí tổn thương khớp gối
Bảng 4. Các triệu chứng lâm sàng trước nghiên cứu
Triệu chứng | n | % |
Đau khớp | 32 | 100 |
Cứng khớp buổi sáng | 23 | 71.9 |
Lục cục tại khớp | 28 | 87,5 |
Dấu hiệu bào gỗ | 7 | 21.9 |
Nóng da tại khớp | 0 | 0 |
Hạn chế gấp duỗi | 32 | 100 |
Nhận xét: Các dấu hiệu chủ yếu thường xuất hiện trong nghiên cứu: Đau khớp, cứng khớp buổi sáng, hạn chế gấp duỗi, lục cục khớp gối.
3.1.5 Mức độ tổn thương khớp gối trên XQ theo Kellgren và Lawrence
Bảng 5. Đánh giá mức độ tổn thương khớp gối trên XQ
Giai đoạn trên XQ | n | % |
I | 1 | 3.1 |
II | 21 | 65.6 |
III | 10 | 31.1 |
IV | 0 | 0 |
Tổng | 32 | 100 |
Nhận xét: Hình ảnh XQ tập trung chủ yếu ở giai đoạn II và III (theo phân độ của Kellgren và Lawrence), giai đoạn II chiếm 65.6%, giai đoạn III chiếm 31.1 %.
3.2 Kết quả nghiên cứu
3.2.1 So sánh trước và sau điều trị theo thang điểm VAS
3.2.2 So sánh trước và sau điều trị mức độ PHCN vận động khớp gối
Phân loại | Tổng điểm | n | % |
Tốt | 0-3 | 22 | 68.8% |
Khá | 4-6 | 10 | 31.2% |
Kém | 7-9 | 0 | 0% |
Tổng | 32 | 100% |
Nhận xét: Kết quả tốt 22 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 68.8%, Khá 10 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 31.2%, trung bình, kém 0 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 0%
- Phương pháp cấy chỉ catgut có tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng khớp gối trên bệnh nhân thoái hóa khớp gối nguyên phát (thể phong hàn thấp theo Y học cổ truyền):
Tác dụng này được thể hiện thông qua cải thiện các chỉ số sau:
– Tác dụng giảm đau theo chỉ số VAS:
– Tác dụng giảm đau và phục hồi chức năng khớp gối theo thang điểm Lequesne:
– Tác dụng PHCN khớp gối qua tầm vận động khớp và chỉ số gót mông
- Phương pháp điều trị cấy chỉ catgut trong điều trị THK gối nguyên phát không có tác dụng không mong muốn nào trên lâm sàng và không thấy có sự thay đổi theo hướng bất lợi đối với một số chỉ số mạch, huyết áp sau 30 ngày điều trị
KHUYẾN NGHỊ
Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy phương pháp điều trị cấy chỉ catgut có tác dụng khả quan trong điều trị giảm đau và phục hồi chức năng vận động khớp gối trên bệnh nhân thoái hóa khớp gối nguyên phát. Tuy nhiên nghiên cứu nên được tiếp tục đánh giá trên cỡ mẫu lớn hơn để có kết luận chính xác và đầy đủ hơn giúp cho các bác sỹ lâm sàng tham khảo trong điều trị sau này.