Tháng 5 năm 2024 cả nước tưng bừng khí thế kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chống lại xâm lược của quân đội Pháp giành độc lập tự do, chiến thắng lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu. Những người chiến sĩ Điện Biên dù đã mất hay còn sống đều được đất nước ghi công. Trong số đó có TTUT- Bs Đương Đăng Lâu, cây cổ thụ của nền Đông y tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
TTUT- Bác sĩ Dương Đăng Lâu sinh năm1933, tại thôn Muối, Xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam, Tỉnh Bắc Giang. Thường trú tại: Số nhà 12 Ngõ 83 đường Huyền Quang, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang – tỉnh Bắc Giang.
Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, có truyền thống hiếu học. Sinh thời niên thiếu ông rất siêng năng học tập và luôn mơ ước trở thành người thầy thuốc để giúp ích cho đời. Những năm đất nước trường kỳ kháng chiến chống đé quốc Pháp, với truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ và quê hương, năm 1953 ở tuổi 20 ông đã tình nguyện lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong, làm đường phục vụ cho kháng chiến ở Bình Gia – Lạng Sơn. Năm 1954, ông chuyển sang bộ đội, ở quân đội đơn vị ông phụ trách quân trang phục vụ và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại ở Miền Bắc, năm 1956, ông chuyển ngành. Với niềm mơ ước để trở thành người thầy thuốc chữa bệnh, ông tham gia học lớp xét nghiệm viên y tế ở viện vi trùng học – Bộ y tế. Sau đó ông là trưởng phòng xét nghiệm bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Bắc. Năm 1961, ông trúng tuyển vào trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp (năm 1966) ông được Trường Đại học Y Hà Nội tín nhiệm giữ lại làm công tác giảng dạy của bộ môn Đông y. Đến năm 1968, ông chuyển về phục vụ trong ngành y tế tỉnh nhà, là giảng viên trường Trung cấp y Hà Bắc. Năm 1969, Bệnh viện Đông y Hà Bắc được thành lập ông được bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện đầu tiên. Đến tháng 01 năm 1973, ông lại được điều động làm trưởng phòng đông y của sở y tế Hà Bắc. Năm 1982 ông lại được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đông y tỉnh Hà Bắc. Cũng trong thời gian làm giám đốc bệnh viện, năm 1990 ông cùng đoàn cán bộ y tế Việt Nam được Bộ y tế cử sang Liên Xô thăm khám và chữa bệnh cho nhân dân Liên Xô ở đảo Sa Kha Lin. Tại đây bằng phương pháp Y học cổ ông đã chữa khỏi nhiều bệnh nhân nước bạn bằng phương pháp châm cứu và được nhân dân nước bạn tín nhiệm, tin yêu và kính trọng. Đến năm 1994 ông được Đảng và nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục khám chữa bệnh từ thiện cho trẻ em khuyết tật và nhiễm chất độc màu da cam. 9 năm sau (từ 1995- 2003) khi tuổi cao, sức yếu ông mới nghỉ ngơi.
Trải qua quá trình công tác tác từ khi thoát ly đi thanh niên xung phong cho đến khi tham gia quân đội ông luôn phấn đấu hết mình không sợ hy sinh gian khổ, cùng quân và dân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đánh đuổi Đế quốc Pháp giành lại độc lập tự do. Hòa bình lập lại, niềm khao khát trở thành người thầy thuốc chữa bệnh cứu người đã luôn thôi thúc ông, ông đã luôn tích cực học tập. Tốt nghiệp Đại học y Hà Nội chuyên ngành về Đông y với kết quả cao, ông được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Nơi đây tiếp tục được trau dồi thêm về kiến thức chuyên môn, đồng thời giảng dậy cho các thế hệ sau. Tuy nhiên với niềm cháy bỏng ở con người muốn về quê hương để phục vụ cho quê hương, ông đã xin rời nhà trường về quê để phục vụ. Trong quá trình công tác của ông từ khi ở Phòng Đông y của Sở y tế rồi đến Bệnh viện Đông y, ông rất tâm huyết với chuyên ngành Đông y. Những năm này đất nước vẫn đang còn chiến tranh chống Mỹ ác liệt, cuộc sống vô cùng khó khăn, lương thực, đặc biệt là thuốc men vô cùng thiếu thốn. Là thầy thuốc Đông y ông thấy rằng có rất nhiều các loại thuốc Nam sẵn có có tác dụng chữa bệnh hiệu quả lại không tốn kém. Vừa làm, vừa hướng dẫn chữa bệnh, vừa viết thành các sách để cho các thầy thuốc áp dụng. với 7 đầu sách về các loại bệnh, các loại thuốc, chữa bệnh thông thường tại gia đình và cộng đồng. sách Đông y cho các trạm y tế, sách hướng dẫn chống dịch như sốt xuất huyết, dịch kiết lỵ, thương hàn. Bản thân ông đã cùng các cán bộ y tế của bệnh viện đã tích cực tham gia chống các vụ dịch lớn ở tỉnh Hà Bắc như dịch Sốt xuất huyết ở Phù Chẩn năm 1981, ở Hán Quảng Quế Võ năm 1987 dùng hoàn toàn bằng thuốc Nam tại chỗ để không một ai bị chết. Năm 1972 chống dịch kiết lỵ ở Yên Trung, Tam Đa huyện Yên Phong và dập tắt được dich. Lịch sử ngành Đông y của 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn còn ghi lại rõ những thành quả này mà người có công lớn là Bs Dương Đăng Lâu.
Với ông là người đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng Bệnh viện Y học dân tộc đầu tiên của tỉnh Hà Bắc, qua từng năm bệnh viện luôn phát triển, thời đó nguồn dược liệu thuốc Bắc rất thiếu thốn, ông đã lãnh đạo và chỉ đạo cán bộ bệnh viện chủ động nuôi trồng và chế biến thành các vị thuốc, thành các công thức thuốc cao đơn hoàn tán để phục vụ người bệnh. Là người lãnh đạo không chỉ giỏi về chuyên môn, lãnh đạo bệnh viện ông còn quan tâm đến công tác thừa kế YHCT theo phương châm của Đảng và nhà nước. Nếu nghe nói trong tỉnh ở đâu có thầy thuốc hay thầy giỏi là ông đến tận nơi, mặc dù phương tiện chủ yếu là xe đạp. Các thầy thuốc lương y gia truyền chữa bệnh hay mà ông vẫn thường hay nhắc đến như lương y Ngô Quý Nhân (Yên Phong), cụ Tư An (chuyên dạ dầy ở Thuận Thành), bà lang Cót (Thuận Thành) ông đã vận động và thừa kế được rất nhiều bài thuốc hay, viết thành sách để phổ biến cho nhân dân và cán bộ y tế.
Trong công tác về nghiên cứu khoa học và ứng dụng, ở ông đã thể hiện một con người say xưa nghiên cứu. Ông nghiên cứu những vị thuốc, những bài thuốc dân gian được soi sáng dưới góc độ khoa học thực tiễn, chứng minh được tác dụng của thuốc. Một trong những công trình nghiên cứu của ông điển hình là điều trị bệnh viêm nhiễm phụ khoa bằng thuốc Nam, đề tài đã chứng minh được tính kháng khuẩn của một số vị thuốc Nam có tác dụng diệt khuẩn chữa bệnh viêm cổ tử cung rất có hiệu quả, mà hiện nay vẫn áp dụng. Đề tài khoa học này ông đã được cấp Bằng lao động sáng tạo.
Với những thành tích cống hiến trong công tác, ông đã được Đảng và nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý:
– Nhiều Bằng khen của Bộ Y tế;
– Nhiều Bằng khen của UBND Tỉnh Hà Bắc;
– Nhiều Bằng khen Trung ương Hội Đông y Việt Nam.
– 03 Bằng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động VN;
– Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất;
– Huân chương Lao động hạng Ba;
– Danh hiệu Thày thuốc ưu tú,
– Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
– Giải thưởng Hải thượng Lãn Ông.
Cuộc đời ông trong công việc là người tận tụy trách nhiệm, say sưa nghiên cứu, giàu tình cảm, yêu thương mọi người đặc biệt là với người bệnh, với những trẻ em bị khuyết tật. Ông sống bình dị đơn giản, luôn quan tâm đến mọi người. Chuyện kể rằng người bạn đời của ông là bà Trần Thị Khánh Luyến cũng là thanh niên xung phong, hai ông bà gặp nhau trong chiến dịch Điện Biên Phủ và đến với nhau bằng tình yêu trong bom đạn khói lửa. Bà đã yêu thương ông hết mực chăm lo cho gia đình để ông yên tâm công tác, lo cho ông đến tận cuối cuộc đời. Ông bà đã có nhiều con nhiều cháu đã trưởng thành, cũng tham gia nối nghiệp Đông y. Con dâu nguyên là phó giám đốc bệnh viện YHCT Trung ương, con trai là trưởng một khoa của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cả hai đều là thầy thuốc ưu tú, đạt giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông. Ngoài ra con gái, cháu trai cũng là những thầy thuốc YHCT. Tháng Năm này nhà nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tri ân những liệt sĩ đã ngã xuống, những người tham gia chiến dịch tôi lại vô cùng khâm phục ông. Nay ông đã về với tiên tổ, về với cụ Hải Thượng, là một nhân viên cũ của ông, tôi thầm nhớ về những năm được công tác cùng ông, tôi đã học được ở ông rất nhiều về phong cách người lãnh đạo, niềm đam mê về Y học cổ truyền, sự say mê nghiên cứu ứng dụng và thừa kế nhiều bài thuốc hay và phương pháp chữa bệnh của ông. Bài viết này cũng là thay cho nén nhang để thắp lên cho Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, người thầy giáo, người Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Dương Đăng Lâu để muốn nói với vong linh của ông, nói với tất cả mọi người rằng: Nền Đông y của 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang mãi vẫn ghi nhớ và con người đã gây dựng và phát triển cho nền Đông y tỉnh Hà Bắc trước kia và ngày nay là Bắc Giang và Bắc Ninh.
Tháng 5 năm 2024
Lâm Nguyễn- Theo Bản tin Đông y Bắc Ninh