Ngày 07 tháng 2 năm 2020, tức ngày 14 tháng Giêng năm Canh Tý, tại Hội Đông y tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ dâng hương Đại danh y Hải Thượng Lã Ông Lê Hữu Trác. Do năm nay vì dịch cúm corona nên Tỉnh Hội không tổ chức rộng rãi chỉ tổ chức phạm vi hẹp tại Văn phòng tỉnh Hội.
Hải Thượng Lãn Ông tên là Lê Hữu Trác, sinh năm 1720 tại quê cha là làng Lưu Xá, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Lưu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), mất năm 1791 tại quê mẹ ở xã Bầu Thượng, huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh.
Lãn Ông thuộc dòng dõi khoa bảng. Ông nội Lê Hữu Trác là Lê Hữu Danh đậu đệ nhị giáp tiến sĩ, cha là Lê Hữu Mưu đậu đệ tam giáp tiến sĩ, làm tới Thị lang Bộ Công triều vua Lê Dụ Tông, mẹ là Bùi Thị Thưởng, chú là tiến sĩ Lê Hữu Kiều, anh là Lê Hữu Kiển đậu đệ tam giáp tiến sĩ.
Lúc nhỏ, Lê Hữu Trác sống với cha ở Thăng Long. Ông nổi tiếng là thông minh, học giỏi. Những tưởng ông sẽ nối chí cha, chú vào con đường cử nghiệp nhưng chỉ đỗ đến cử nhân. Đến năm 19 tuổi thì thân phụ đột ngột qua đời. Chính sự lúc này rất rối ren. Hết loạn Nguyễn Tuyển, loạn Nguyễn Cừ, đến loạn Vũ Trác Oánh, Nguyễn Hữu Cầu. Lại thêm quân của Hoàng Công Chất vây hãm ở ven sông Nhị Hà (sông Hồng), có bận còn chiếm giữ cả vùng Khoái Châu (Hưng Yên). Mãn tang cha, một hôm ông tình cờ gặp cao nhân họ Vũ ở Hà Đông. Thấy hợp ý, vị cao nhân bèn trao cho ông cuốn binh thư dạy về cách bày binh bố trận, và cả phương pháp bấm độn của đời xưa. Lê Hữu Trác mê mải đọc sách rồi quyết bỏ Nho theo binh nghiệp. Ông gia nhập quân đội nhà Trịnh năm 1740, thắng được một số trận, được giao làm quân sư. Lúc này, tuy nhà Trịnh đã thống nhất được toàn bộ phía Bắc, phá tan dư đảng nhà Mạc nhưng phía Nam vẫn nồi da xáo thịt với quân đội chúa Nguyễn. Nhận thấy chiến tranh chỉ khiến người dân là chịu thảm họa, cảnh tang tóc tang thương bày ra khiến Lê Hữu Trác cảm thán thành thơ: “Hồng – Châu trước nỗi binh đao; Kim đôi chiến đấu máu đào thành sông; Xương vùi mồ mả chập chồng; Lũy xưa cát trắng một vùng còn ghi”.
Chán lập danh bằng binh nghiệp, giữa lúc ấy người anh thứ 5 của Lê Hữu Trác qua đời, ông liền trở về xứ Bầu Thượng ở Hương Sơn chăm sóc mẹ già.
Duyên nghề thuốc
Hương Sơn thời kỳ hậu Lê là nơi nhiều lam sơn chướng khí. Cuộc sống nơi đây lại nghèo khó vất vả. Rồi Lãn Ông bị bệnh nặng. Người nhà không quản vất vả cáng ông đi hàng chục cây số đến điều trị tại nhà lương y Trần Độc ở Nghệ An. Trị bệnh hơn một năm trời mới khỏi bệnh. Bấy giờ, Lê Hữu Trác có lẽ đã suy nghĩ trị bệnh cứu người là việc làm hữu dụng nhất trong thời tiết chính trị lúc ấy. Từ việc muốn “sát nhân” lập công đến “cứu nhân” để Đức cho đời là một chuyển đổi tư duy trong con người Lê Hữu Trác. Vậy là ông mượn đọc các y thư của Trần Độc. Lương y Trần Độc cảm mến người thanh niên có năng khiếu nên đã đem sở học về y thuật truyền hết cho Lê Hữu Trác.
Khỏi bệnh, về lại Hương Sơn. Lê Hữu Trác ngẫm nghĩ rồi lấy hiệu là Lãn Ông, nghĩa là ông già lười biếng. Phải chăng ông muốn ngụ ý mình lười biếng chuyện chính trị, hay vẫn cảm thấy mình lười biếng trong việc nghiên cứu y thuật?
Mê mải y thuật, chẳng bao lâu sau, Lãn Ông đã nổi tiếng. Từ việc mong lập công trên sa trường, ông chuyển sang mong ước: “Phải đâu vất vả mong ơn huệ; Trong đáy lòng ta cốt cứu người”. Dù ông ở nơi xa xôi nhưng nhiều người tìm đến chữa trị. Nghĩ một mình chỉ chữa được cho vài ba chục người một ngày nên ông mở trường dạy học.
Không chỉ dạy học, ông còn viết sách về y học, không chỉ ghi nhớ những lần tìm tòi ra phương thuốc cứu người mà còn mong để lại di sản cho thế hệ sau ứng dụng và bổ khuyết. Năm 1770, bộ sách “Lãn Ông tâm Lĩnh” được khắc in. Đây là công trình được viết sau 10 năm biên soạn và 40 năm kinh nghiệm. Bộ sách được người đời sau đánh giá cao, coi đây là một bộ y thư đồ sộ và toàn diện, nền móng của y học dân tộc Việt Nam từ thế kỷ 18. Tuy vậy, trong sách “Lãn Ông tâm Lĩnh”, ông vẫn rất khiêm tốn: “Có câu dùng thuốc tựa dùng binh; Quan trọng vô cùng việc tử sinh; Đến bậc thái y còn thiếu sót; Huống mình non kém lý chưa tinh”.
Tư tưởng y học của Lãn Ông
Lãn Ông từng tự thuật như sau: “Tôi bỏ Nho học thuốc trên 20 năm. Nằm gai nếm mật, đóng cửa đọc sách, bắt đầu bằng bộ Hoàng Đế Nội Kinh. Ngày đêm nghiên cứu, mắt xem miệng đọc, đi thì mang theo, gối thì suy nghĩ, tự hỏi tự trả lời. Sách thuốc của đời xưa, không bộ nào là không xem đến. Sách thuốc càng ra nhiều, người đọc như mông mênh qua bể tìm bến”. Và “Đọc sách xưa biết được ý nghĩa đã là khó, biết được ý ngoài lời càng khó hơn. Học một suy ra đến muôn, khó mà lường được”.
Với những cuốn sách y học như “đánh đố” người đời như vậy, Lãn Ông thực sự vất vả khi tìm tòi kiến thức cho mình. Nhưng ở tình cảnh lúc bấy giờ thì có được sách đã là quý lắm. Ông vừa tự học vừa tự làm thầy mình. Kết cục đã tạo được nền móng cho y học dân tộc Việt Nam.
Các cổ thư Á Đông, viết thường bí hiểm. Người không chính tâm, thành ý, nhẫn nại suy ngẫm thì mãi cũng như người đứng ngoài cửa không vào được bên trong. Lãn Ông tự học tự hỏi, suy tư đến cùng để tìm ra được những chân lý ẩn trong những câu văn mung lung mơ hồ. Đồng thời loại ra những lời dạy chủ quan, cảm tính, không có cơ sở vững vàng, thường có nhiều ở Trung y và cứ truyền đi đời nọ sang đời kia. Đây là một tinh thần tự chủ và sáng suốt, nhất là vào thời xưa. Sau đó, mang lý luận vào thực tiễn, tri hành phải hợp nhất, y lý phải giản đơn và rõ ràng, dược liệu phải chính xác và công hiệu.
Bên cạnh đó, qua kinh nghiệm trị bệnh, Lãn Ông đúc rút những phương thức trị bệnh riêng. Và điều đặc biệt, Lãn Ông còn ghi chép chu đáo hồ sơ bệnh nhân để làm tài liệu hướng dẫn các môn sinh.
Y Đức của Lãn Ông đã vượt xa thời đại, vươn tới hôm nay. Ông quan niệm: “Nếu không mở một lối đi thì lấy gì mà làm thềm cho người đời sau”; “Tôi vâng lời trên của người anh, chú thích những câu của tiên hiền làm khuôn phép giúp cho đời sau tìm đến được bến bờ của y dược”; “Sao bằng ghi chép lại (kinh nghiệm, tìm tòi, khám phá), khiến sau trăm đời, người đọc hiểu được những lời mà đời trước chưa hoàn bị, để dìu dắt các thầy thuốc sau này, há chẳng nên sao”.
Trân trọng đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh thời Trần. Lãn Ông đã tiếp nối hai công trình của Tuệ Tĩnh là “Nam dược thần hiệu”, “Hồng nghĩa giác tư y thư” và hoàn thiện công trình này. Và Lãn Ông nhắn nhủ hậu thế qua những vần thơ nhẹ nhàng, thấm thía trong Lĩnh Nam bản thảo: “Thuốc thang sẵn có khắp nơi; Trong vườn, ngoài ruộng, trên đồi, dưới sông; Hàng ngàn thảo, mộc, thú, trùng; Thiếu gì thuốc bổ thuốc công quanh mình”.
Tư tưởng tự tôn dân tộc trong y thuật được Lãn Ông đề cao. Những dược liệu làm thuốc của Việt Nam được đề cao, thậm chí hợp với người Nam hơn người phương Bắc như quế Thanh Hóa, sâm Quảng Nam. Hay gừng là 1 dược liệu quý báu được dân gian sử dụng từ rất xa xưa được ông đúc kết là để chống nhiễm trùng thương tích và che trở khỏi lam sơn chướng khí.
Trong tác phẩm của mình, ngoài phần “dương án” ghi lại những ca bệnh chữa trị thành công, Lãn Ông còn ghi lại phần “âm án” là những ca chữa thất bại. Trong “âm án” ông viết: “Nghề thuốc là một nhân thuật, người thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người là tốt, chứ cứu được một mạng người thì khoa chân múa tay để khoe khoang cho mọi người biết. Nhỡ có thất bại thì lại giấu nhẹm đi. Mấy ai không giấu cái điều xấu của mình mà dám đem sự thực nói với người khác”.
Năm 1782, Lãn Ông được triệu vào Thăng Long chữa bịnh cho thế tử Trịnh Cán. Công việc chữa trị thất bại không rõ nguyên nhân do Lãn Ông hay do bệnh đã quá nặng vì các ngự y nuôi bệnh? Nhưng qua chuyến đi này, Lãn Ông đã để lại một tác phẩm văn chương y học bất hủ “Thượng Kinh ký sự”. Cũng tại kinh đô, Lãn Ông đã khắc in được bộ “Y tông tâm lĩnh” truyền lại cho đời.
Hải Thượng Lãn Ông là hiện thân của một nhân cách lớn về tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh, phú quý, không nịnh hót kẻ giàu sang. Hải Thượng Lãn Ông luôn là người biết tự trọng, khiêm tốn học hỏi không tự cao tự đại, luôn tôn trọng giúp đỡ đồng nghiệp. Ông là một tấm gương mẫu mực cho thuật xử thế: “Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn”.
Sau khi Lãn Ông mất, ông được người dân lập đền thờ. Năm 1985, khu di tích Hải Thượng Lãn Ông tại Hương Sơn, Hà Tĩnh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2016, Lễ hội Hải Thượng còn được gọi là Lễ hội cầu sức khỏe được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.