Lương y Nguyễn Công Cẩn Ủy viên BCH Hội Đông y thành phố Bắc Ninh

Lương y Nguyễn Công Cẩn sinh năm 1942 tại xã Khúc Xuyên, huyên Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh nay là Phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh trong một gia đình có nghề làm thuốc gia truyền. Ông nội là cụ Nguyễn Văn Độ, là lương y nổi tiếng từ những năm 1930. Ngay từ nhỏ lúc 10 tuổi ông đã phụ giúp cho ông nội làm các công việc sơ chế, bào chế thuốc và được ông nội dậy chữ nho và dậy các kiến thức về Đông y. Năm 18 tuổi ông tiếp tục học thêm kiến thức Đông y và thường xuyên đi họp Hội Đông y thay cho ông nội. Năm 26 tuổi ông đi bộ đội làm công việc chủ yếu là lắp ráp, sửa chữa các loại vũ khí quân dụng. Trong thời gian quân ngũ ông cũng luôn dành thời gian đọc sách và nghiên cứu các lý luận và các phương pháp chữa bệnh của Đông y đồng thời hay sử dụng các bài thuốc Nam sẵn có để chữa bệnh cho đồng đội. Sau 6 năm phục vụ trong quân ngũ ông phục viên trở về địa phương và tiếp tục làm nghề thuốc để khám chữa bệnh cho nhân dân ở trong vùng. Với vốn kiến thức uyên thâm về nho lý và y học cổ truyền áp dụng vào các phương pháp chữa bệnh của Y học cổ truyền, ngoài việc khám bệnh bắt mạch kê đơn thuốc ông còn vận dụng châm cứu, bấm huyệt, giác hơi cho bệnh nhân. Tùy từng loại bệnh khác nhau mà ông sử dụng các phương pháp chữa bệnh dùng thuốc hay không dùng thuốc cho nên hiệu quả chữa bệnh của ông rất cao, nhân dân trong vùng rất tín nhiệm, bệnh nhân đến chữa bệnh ngày một đông, mỗi năm phòng chẩn trị của ông đã khám chữa bệnh trung bình khoảng 3000 lượt bệnh nhân. Ngoài việc khám chữa bệnh ông còn tích cực tham gia công tác hoạt động và phát triển Hội Đông y. Trước đây là liên chi hội các xã Khúc Xuyên, Hòa Long và Phong Khê. Chi hội do ông làm chi hội trưởng đã quy tụ được nhiều hội viên tham gia và sinh hoạt thường xuyên, ông đã cùng với BCH Hội Đông y thành phố đề ra những phương hướng thức đẩy hoạt động của Hội Đông y như khuyến khích phát triển phương pháp điều trị không dùng thuốc: nói chuyện và hướng dẫn châm cứu chữa bệnh trong các buổi sinh hoạt hội, khuyến khích các hội viên chữa bệnh không dùng thuốc, phát động viết bài về châm cứu, giảng giải châm cứu đơn giản, ít tốn kém và đem lại hiệu quả cao… Ông còn thừa kế và ứng dụng trồng hàng chục cây thuốc vừa có tác dụng làm cảnh vừa có tác dụng chữa bệnh, ứng dụng hàng chục bài thuốc cổ phương để điều trị cho các bệnh nhân hiệu quả. Bản thân ông cũng luôn ủng hộ các phong trào của địa phương và đặc biệt là ủng hộ cho Hội Đông y thành phố Bắc Ninh. Trong khám chữa bệnh ông cũng rất luôn quan tâm đến những người khó khăn không có điều kiện về kinh tế, ông đã khám chữa bệnh miễn phí rất nhiều cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra với trách nhiệm của một chi hội trưởng ông còn phát động các hội viên với tấm lòng hảo tâm ủng hộ kinh phí và khám và điều trị miễn phí trong các năm qua cho hơn 1.000 người trị giá trên 200 triệu đồng.

Với những công sức đóng góp của ông cho sự nghiệp phát triển nền Đông y của tỉnh nhà năm 1990 ông đã được UBND tỉnh Hà Bắc tặng bằng khen, năm 2015 được tặng bằng khen của Trung ương Hội Đông y Việt Nam, năm 2018 được tặng bằng khen của UBND tỉnh Bắc Ninh nhân kỷ niệm 60 năm thành lập hội. Ông đã được tặng kỷ niệm chương của Trung ương Hội Đông y Việt Nam. Niềm vui rất lớn gần đây đến với ông và gia đình là ông đã được Hội Đông y tỉnh Bắc Ninh đề nghị Trung ương Hội Đông y tỉnh Bắc Ninh tặng danh hiệu “Thầy thuốc Đông y tiêu biểu” ghi nhận công lao đóng góp cho sự nghiệp kế thừa và phát triển nền Đông của tỉnh nói riêng và nền Đông Việt Nam nói chung.

Lương y nguyễn Công Cẩn năm nay đã ngoài 80 tuổi chỉ hơi nặng tai một chút song ông vẫn khỏe mạnh và tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt do thành hội hoặc tỉnh hội tổ chức và có nhiều ý kiến phổ biến về kinh nghiệm chữa bệnh cho các hội viên và các hội viên trẻ học theo. Ngoài thời gian khám chữa bệnh cho nhân dân ông còn dành thời gian đọc sách và dịch các sách thuốc để truyền lại cho con cháu. Các bộ sách của các cụ để lại đều bằng chữ Nho mà ông hàng ngày đọc và dịch lại cho con cháu như các quyển: Y học nhập môn (10 tập), Y tông kim gián (2 tập), Trần tu (1 bộ), Thọ thể bảo nguyên (10 tập)…và còn nhiều bộ sách quý khác. Ông có 4 người con đều kế tục ông nghề làm thuốc. Trong cuộc đời làm thuốc ông luôn tâm niệm rằng người lương y phải có kiến thức sâu về y học đồng thời phải có cái tâm trong sáng trong việc trị bệnh cứu người. Mong rằng con cháu ông, các hội viên của hội luôn noi gương ông luôn trau dồi kiến thức Đông y kế thừa và phát huy nền y học cổ truyền của Việt Nam.


XEM THÊM