Nền Đông y Việt Nam có từ lâu đời được lưu truyền và kế thừa qua nhiều đời. Mỗi con người Việt Nam từ khi sinh ra cho đến khi cuối đời hầu như đều được thừa hưởng các phương pháp chữa bệnh của Đông y tùy theo mức độ khác nhau. Bệnh nhẹ thông thường thì thầy nhà thuốc vườn, bệnh nặng hơn thì được các thầy thuốc lương y, bác sỹ khám chữa bệnh Đông, Tây y tùy theo.
Tôi bắt đầu tiếp cận với YHCT từ thuở nhỏ. Khi mà rất nhiều chứng bệnh của tôi được “bác sĩ bố mẹ” trị khỏi bằng các bài thuốc từ cây cỏ, hoa lá thậm chí là cả rau gia vị quanh nhà. Ho thì có thể dùng quất, hẹ, húng chanh, nụ đu đủ; cảm cúm thì có cháo tía tô, tỏi; sốt thì dùng cỏ nhọ nồi, rau diếp cá; tiêu chảy thì dùng búp ổi … Tôi nhớ những nồi nước xông thơm lừng trị cảm sốt từ lá bưởi, lá sả, hương nhu, lá tre, tía tô. Hay những ấm trà an thần thơm thơm từ lạc tiên, đắng đắng từ tâm sen mà ông bà tôi hay uống. Lúc đó tôi cảm thấy hóa ra nhiều loại cây lại kỳ diệu đến thế, có những loại vừa làm rau vừa làm thuốc, có nhiều cây cỏ mọc dại đầy đồng cũng là những vị thuốc, rồi đến cả mấy cây cảnh của ông như hoa hòe, cây lược vàng, cây thài lài tía cũng có thể làm thuốc được.
Sau này lớn hơn một chút tôi lại nghe người ta nói “nhiều người Việt Nam mình sống trên đống thuốc mà không biết”. Với vốn kiến thức ít ỏi khi ấy tôi làm sao biết hết được “đống thuốc” mà người ta nói nó lại nhiều như thế. Dần dà theo năm tháng được tiếp xúc với nhiều người hơn tôi cũng học thêm được nhiều bài thuốc dân gian kỳ diệu mà nguyên liệu lại dễ kiếm vô cùng. Cứ như vậy tôi bị hấp dẫn khi nào không hay. Mãi đến năm 2020 cái duyên của tôi với YHCT mới “chin”. Đó là khi tôi chính thức bước chân vào kho tàng kiến thức y học cổ truyền khổng lồ, kỳ diệu. Một thế giới chuyên môn mở ra tôi mới biết những gì tôi từng nghe, từng biết nó nhỏ bé và ít ỏi vô cùng. Có nhiều người hỏi tôi tại sao lại chọn theo YHCT khi mà thời đại công nghệ thông tin phát triển, nhiều ngành nghề khác được ưu tiên hơn. Tôi chỉ biết đó là do đam mê, là sự yêu thích, ngoài ra tôi cũng muốn góp phần học thêm để chí ít tôi có thể giúp một chút sức lực của mình bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình khi cần thiết.
Trong quá trình học tập được thầy cô truyền đạt lại nhiều kiến thức bổ ích, được biết thêm nhiều kiến thức về cơ thể con người, được khám phá thêm nhiều cây thuốc hay, biết đến nhiều phương pháp điều trị bệnh không dùng thuốc tôi lại càng cảm thấy hướng đi của mình thật ý nghĩa. Và dấu mốc quan trọng trên lối đi này của tôi là khi được nhận quyết định trở thành một hội viên của Hội Đông y tỉnh Bắc Ninh, thuộc Hội Đông y Việt Nam.
Người truyền lửa đam mê, người luôn động viên chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa, không ngừng nỗ lực học hỏi là thầy Nguyễn Văn Lâm – chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bắc Ninh, bác sĩ chuyên khoa II, nguyên giám đốc bệnh viện YHCT tỉnh Bắc Ninh. Thầy và nhà trường luôn quan tâm sát sao, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi hoàn thành khóa học giữa lúc đại dịch covid căng thẳng. Thầy là người thuyền trưởng tuyệt vời khi đưa chúng tôi từng bước tiến ra đại dương kiến thức mênh mông kia. Là người động viên chúng tôi trở thành những hội viên tích cực, hướng cho chúng tôi đến mục tiêu là những người thầy thuốc “giỏi về y lý – sáng về y đức”, xứng đáng với câu “lương y như từ mẫu”.
Hơn 30 tuổi nhưng tôi rất tự hào ngày hôm nay được cầm tấm bằng Y sĩ Y học Cổ truyền và được trở thành hội viên của Hội Đông y. Cũng từ đây chúng tôi được học hỏi thêm về kiến thức và kinh nghiệm chữa bệnh của các bậc ông bà, cha chú, anh chị đi trước về kiến thức YHCT. Được góp phần kế thừa và phát huy nền y học dân tộc. Còn được đem sức mình truyền nhiệt huyết cho các em rằng việc học chưa khi nào là muộn, theo đuổi đam mê chưa khi nào là trễ. Hội Đông y tỉnh Bắc Ninh luôn mở rộng vòng tay đón chào những thành viên đam mê YHCT và kết nạp trở thành hội viên Hội Đông y. Nơi mà mỗi hội viên đều là một viên ngọc quý, nơi để học hỏi và cùng nhau phát triển, cũng là nơi vinh danh, ghi nhận mọi đóng góp của từng thành viên trong sự nghiệp kế thừa và phát huy tinh hoa y học dân tộc.
Hội viên chi hội Y sĩ YHCT K1 – văn phòng
Nguyễn Thị Hồng Hải