ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA BÀI THUỐC “TAM TÝ THANG” KẾT HỢP ĐIỆN CHÂM, XOA BÓP BẤM HUYỆT TRONG ĐIỀU  TRỊ HỘI CHỨNG THẮT LƯNG HÔNG

 

Đề tài được nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả tại Khoa YHCT-PHCN Bệnh viện đa khoa huyện Gia Bình (nay là Trung tâm Y tế huyện Gia Bình) từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2015 do Bác sĩ Nguyễn Văn Minh chủ nhiệm đề tài đã được thông qua và đánh giá cao của Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ – Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam năm 2015.  Bs Nguyễn Văn Minh đang là chủ tịch Hội Đông y huyện Gia Bình. Xin giới thiệu tóm tắt:

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hội chứng thắt lưng hông (HCTLH) là một hội chứng phổ biến, trên lâm sàng biểu hiện triệu chứng bệnh lý đồng thời của cột sống thắt lưng và bệnh lý của các rễ thần kinh tạo thành dây thần kinh hông to (TKHT). Ở Việt Nam theo điều tra của Trần Ngọc Ân, Nguyễn Vĩnh Ngọc, Nguyễn Thu Hiền HCTLH chiếm tỷ lệ 42,45% trong nhóm bệnh cột sống và là một trong 15 bệnh cơ xương khớp hay gặp nhất

Hội chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, trong đó nguyên nhân do cột sống là chủ yếu. Hội chứng thắt lưng hông ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, đến kinh tế gia đình và xã hội. Chính vì vậy vấn đề chẩn đoán và điều trị  HCTLH sao cho có hiệu quả đã và đang là vấn đề thời sự của Việt Nam và trên thế giới.

Điều trị HCTLH có nhiều phương pháp khác nhau, đặc biệt là điều trị nội khoa bằng Y học hiện đại đã được đề cập đến từ lâu và đã mang lại những hiệu quả nhất định, nhưng phương pháp này cũng có nhược điểm là các thuốc giảm đau chống viêm có khá nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến người bệnh như: (Viêm loét dạ dày tá tràng, rối loạn tiêu hóa, hội chứng Cushing, xuất huyết tiêu hóa, dị ứng…).

Theo Y học cổ truyền bệnh được mô tả thuộc phạm vi “chứng tý” với các bệnh danh: Yêu cước thống, tọa cốt phong, tọa đồn phong …Y học cổ truyền có nhiều phương pháp điều trị bệnh: Phương pháp không dùng thuốc như (Xoa bóp, Bấm Huyệt, Châm cứu, Tác động cột sống…) và phương pháp dùng thuốc (Bài thuốc cổ phương, nghiệm phương, thuốc kinh nghiệm dân gian…). Trong đó bài thuốc cổ phương “Tam tý thang ” (Tác giả Lý Diên) có tác dụng, Ích can thận, bổ khí huyết, trừ phong hàn thấp, chỉ thống tý thường được các thầy thuốc YHCT sử dụng kết hợp với điện châm, xoa bóp bấm huyệt để điều trị HCTLH đạt kết quả cao. Tuy nhiên chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về đề tài này. Thừa kế,  phát huy và phát triển YHCT trong nghiên cứu điều trị bệnh chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài này với mục tiêu sau:

  1. Đánh giá hiệu quả của phác đồ Tam tý thang kết hợp với điện châm, xoa bóp bấm huyệt trong điều trị HCTLH có thoái hóa cột sống thắt lưng.
  2. Khảo sát tác dụng không mong muốn của phác đồ.

 

I./ TỔNG QUAN VỀ BÀI THUỐC TAM TÝ THANG

  1. Xuất sứ: Do tác giả Lý Diên đời nhà Minh soạn Trong tác phẩm Y học nhập môn.
  2. Thành phần

Độc hoạt      12g    Tần giao               8g         Đỗ trọng             8g

Tế tân          6g       Phục linh             12g       Chích cam thảo  4g

Bạch thược  12g     Thục Địa               12g       Phòng phong       8g

Đẳng sâm    12g    Ngưu tất               12g       Quế chi               8g

Đương quy   12g    Xuyên khung         8g         Hoàng kỳ         12g

Tục đoạn      8g      Sinh khương         4g         Đại táo             12g

  1. Cách dùng: Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
  2. Tác dụng: Ích can thận, bổ khí huyết, trừ phong hàn thấp, chỉ thống tý.
  3. Phân tích bài thuốc: Bài thuốc này cấu trúc từ 2 nhóm thuốc:

– Một nhóm thuốc lấy phù chính làm chủ: Đẳng sâm, Phục linh, Cam thảo, Thục địa, Bạch thược, Đương quy, Xuyên khung, thực chất là bài Bát trân thang bỏ đi Bạch truật, nên có tác dụng bổ khí huyết. Trong đó đủ bài Tứ vật còn có tác dụng bổ huyết với ý nghĩa: (Trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tự diệt). Đại táo bổ trung ích khí dưỡng huyết.

Bài thuốc còn có: Tục đoạn, Đỗ trọng, Ngưu tất để bổ can thận, làm khỏe lưng gối mạnh cân cốt.

– Một nhóm thuốc lấy khu tà làm chủ, bao gồm các vị:  Độc hoạt, Tế tân, Phòng phong, Tần giao, Quế chi, Sinh khương… có tác dụng trừ phong hàn thấp mà chỉ thống.

  1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
  2. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu là những bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị HCTLH có thoái hóa CSTL tại khoa YHCT – PHCN Trung tâm Y tế huyện Gia Bình từ tháng 5/2015.

1.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo Y học hiện đại

a). Bệnh nhân không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, lứa tuổi.

b). Được chẩn đoán là hội chứng thắt lưng hông có thoái hóa cột sống TL.

* Triệu chứng  lâm sàng:

+ Đau vùng thắt lưng lan xuống hông đùi, cẳng, bàn chân lan theo đường đi của dây thần kinh tọa.

+ Tính chất đau: âm ỉ hoặc dữ dội, tê bì, kim châm dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.

+ Schober giảm (độ giãn CSTL < 14cm)

+ Tư thế chống đau trước –sau, thẳng hoặc chéo.

+ Dấu hiệu Lasègue (+).

+ Dấu hiệu Bonnet (+).

+ Dấu hiệu Neri (+).

+ Điểm Valleix (+).

* Triệu chứng cận lâm sàng

+ X- Quang cột sống thắt lưng:

  • Thoái hoá cột sống thắt lưng với 3 dấu hiệu cơ bản:

– Khoang gian đốt sống (hẹp khe khớp) hẹp không đồng đều, biểu hiện chiều cao của đĩa đệm giảm, hẹp nhưng không dính khớp.

– Đặc xương dưới sụn (xơ hóa dưới tầm sụn): mâm sụn có hình đặc xương.

– Gai xương (ostéophyte) ở rìa ngoài của thân đốt, gai xương có thể tạo thành những cầu xương.

  • Cùng hoá thắt lưng V (trên phim X- Quang còn 4 đốt sống thắt lưng) hoặc thắt lưng hoá cùng I (trên phim X- quang thấy 6 đốt sống thắt lưng) hoặc gai đôi cột sống.

+ Công thức máu, nước tiểu, bình thường.

1.2. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo Y học cổ truyền

Chọn bệnh nhân thể can thận hư kết hợp với phong hàn thấp với biểu hiện:

Vọng : Tinh thần mệt mỏi, sắc xanh, chất lưỡi nhạt, rêu trắng nhớt.

Văn: Tiếng nói nhỏ rõ, hơi thở bình thường.

Vấn: Đau vùng thắt lưng, lan xuống mông và chân, đi lại khó khăn, đau tăng khi trời lạnh và ẩm thấp, thay đổi thời tiết đau tăng, toàn thân sợ lạnh, nặng nề, chân có cảm giác tê bì hoặc kiến bò, thích uống ấm, ăn ấm, đại tiện bình thường hoặc hơi nát, nước tiểu trong kèm theo mỏi gối, ù tai, hoa mắt chóng mặt, người mệt mỏi, ăn ngủ kém.

Thiết: Da, chân tay lạnh và ẩm, cơ co cứng ở vùng thắt lưng

Mạch: Phù hoặc phù hoạt. Lâu ngày mạnh trầm sác hoặc đới sác.

1.3. Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân

– Bệnh nhân HCTLH do chấn thương cột sống, ung thư đốt sống tiên phát hoặc di căn, u tuỷ và màng tuỷ, thoát vị đĩa đệm.

  • Bệnh nhân HCTLH kèm theo mắc các bệnh mạn tính như lao, ung thư, suy tim, suy thận, đái tháo đường, HIV/AIDS.
  • Bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị.
  1. ĐỊA ĐIỂM VÀ THỜI GIAN NGHIÊN CỨU

Địa điểm nghiên cứu: Khoa Y học cổ truyền Trung tâm Y tế huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh.

– Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 5 – 9 /2015.

  1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu theo phương pháp can thiệp lâm sàng tiến cứu, so sánh trước và sau điều trị.

3.2. Chọn mẫu và cỡ mẫu : Chọn mẫu có chủ định, cỡ mẫu 40 bệnh nhân.

3.3. Quy trình nghiên cứu

Bước 1: Lựa chọn bệnh nhân

Khám phân loại lựa chọn bệnh nhân, bệnh nhân được chẩn đoán Hội chứng thắt lưng hông do thoái hóa cột sống đáp ứng các tiêu chuẩn chọn bệnh nhân được đưa vào đối tượng nghiên cứu:

– Đánh giá triệu chứng lâm sàng trước khi điều trị (thời điểm D0)

– Làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết:

– Bệnh nhân được chụp X-Quang cột sống thắt lưng ở 2 tư thế (thẳng – nghiêng).

– Kiểm tra công thức máu, nước tiểu, chức năng gan (AST, ALT), chức năng thận (Ure, Creatinin) trước điều trị.

Bước 2: Quy trình can thiệp điều trị

Pháp điều trị: Bổ can thận, ích khí huyết, trừ phong hàn thấp, thông kinh hoạt lạc.

Can thiệp điều trị bằng phác đồ “Tam tý thang” kết hợp điện châm, xoa bóp bấm huyệt.

  1. a) Bài thuốc: “Tam tý thang” sắc uống ngày một thang chia hai lần (sáng-tối) uống sau ăn 30 phút.

– Liệu trình: 1thang/ngày X 28ngày/đợt điều trị.

  1. b) Điện châm: Công thức chọn huyệt theo đối pháp lập phương và tuần kinh thủ huyệt.

+ Châm tả: Phong long, Á thị huyệt, Giáp tích, Thứ liêu, Đại trường du.

+ Châm bổ: Thận du, Can du, Tam âm giao.

+ Nếu bệnh nhân đau theo kinh bàng quang thì châm tả các huyệt sau: (Trật biên, Thừa phù, Ân môn, Uỷ trung, Thừa sơn, Côn lôn).

+ Nếu bệnh nhân đau theo kinh đởm thì châm tả các huyệt sau: (Hoàn khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Huyền chung, Khâu khư)

  1. c) Xoa bóp bấm huyệt

Tư thế:

+ Bệnh nhân nằm sấp, tư thế thoải mái

+ Thầy thuốc đứng bên trái hoặc bên phải bệnh nhân, lần lượt làm các thủ thuật: day, lăn, bóp, bấm, phát, vận động cột sống, vận động chân đau.

Liệu trình: 20 phút/lần x 1 lần / ngày x 04 tuần / đợt điều trị.

Bước 3: Đánh giá chỉ số lâm sàng các thời điểm trước (D0) và sau 7 ngày (D7), 14 ngày (D14), 21 ngày (D21) và 28 ngày (D28) điều trị.

Chỉ số cận lâm sàng thời điểm trước (D0) và sau 28 ngày (D28) điều trị.

  1. CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ

4.1. Chỉ tiêu lâm sàng: Đánh giá trước (D0) và sau 7 ngày (D7), 14 ngày (D14), 21 ngày (D21) và 28 ngày (D28) điều trị.

– Đau  thắt lưng hông. Mức độ đau của bệnh nhân được đánh giá theo thang điểm VAS từ 1 đến 10 bằng thước đo độ của hãng Astra- Zeneca. (Theo thang điểm cụ thể)

– Đo độ giãn của CSTL (theo NP Schober).(Theo thang điểm cụ thể)

– Đánh giá mức độ giảm chèn ép rễ thần kinh hông (NP Lasègue).(Theo thang điểm cụ thể)

– Tầm vận động của CSTL (Gấp, duỗi, nghiêng bên lành, nghiêng bên đau, xoay bên lành, xoay bên đau).(Theo thang điểm cụ thể)

– Các hoạt động chức năng sinh hoạt hàng ngày (Theo thang điểm cụ thể)

Đánh giá kết quả chung theo thang điểm của B.Amor, tiêu chuẩn xếp loại dựa trên tổng điểm tích hợp của các chỉ tiêu trên:

+ Rất tốt: từ 36 đến 40 điểm

+ Tốt:  từ 30 đến 35 điểm

+ Trung bình: từ 20 đến 29 điểm

+ Kém: <  20điểm

4.2. Chỉ tiêu cận lâm sàng: Đánh giá trước và sau điều trị (D0 – D28)

–  Công thức máu, nước tiểu.

–  Sinh hóa máu: Ure, creatinin, AST, ALT.

4.3. Khảo sát tác dụng không mong muốn của phác đồ

– Tác dụng không mong muốn trên lâm sàng:

+ Thuốc: Đau bụng đi ngoài phân lỏng, buồn nôn và nôn, mẩn ngứa.

+ Điện châm: Vựng châm, Chảy máu.

+ XBBH: Đau dữ dội khi xoa bóp bấm huyệt, ban đỏ mẩn ngứa tại vùng XBBH.

Tác dụng không mong muốn trên cận lâm sàng. CTM (HC, BC, TC) gan (AST, ALT) thận (Ure, creatinin).

  1. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Qua nghiên cứu điều trị 40 bệnh nhân mắc HCTLH bằng phác đồ Tam  tý thang kết hợp với điện châm, XBBH điều trị trong 28 ngày (4 tuần) chúng tôt rút ra kết luận sau:

  1. Kết quả điều trị.

* Giảm đau: Sau điều trị bệnh nhân đã giảm đau rõ rệt kết quả hết đau 47,5%,  đau nhẹ 45%, đau vừa 7,5%. Sự giảm đau có ý nghĩa thống kê p < 0,01.

* Giảm chèn ép rễ: Mức độ giảm chèn ép rễ được cải thiện rõ rệt so với trước điều trị (p < 0,01) tỷ lệ rất tốt 42,5%, tốt 40%, trung bình 17,5%.

* Cải thiện chức năng vận động Cột sống thắt lưng: Sau 28 ngày điều trị độ giãn CSTL (NP Schober) và tầm vận động của CSTL (6 động tác: gấp, duỗi, nghiêng bên đau, nghiêng bên lành, xoay bên đau, xoay bên lành) đều được cải thiện rõ rệt. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

* Cải thiện chức năng hoạt động sinh hoạt hàng ngày: Các chức năng hoạt động sinh hoạt hàng ngày (Chăm sóc cá nhân, nhấc vật nặng, đi bộ, ngồi) sau điều trị được cải thiện rõ rệt. Sự thay đổi có ý nghĩa thống kê.

* Bệnh nhân điều trị sớm, trẻ tuổi có kết quả điều trị tốt.

* Kết quả điều trị chung

+ Số bệnh nhân đạt kết quả rất tốt chiếm          52,5%.

+ Số bệnh nhân đạt kết quả tốt chiếm  45,5%.

+ Số bệnh nhân đạt kết trung bình chiếm 2,0%.

  1. Tác dụng không mong muốn

Không thấy tác dụng phụ trên lâm sàng và cận lâm sàng.

  1. KIẾN NGH

Phác đồ Tam tý thang kết hợp với điện châm, XBBH có hiệu quả cao trong điều trị lâm sàng HCTLH có thoái hòa CSTL, chúng tôi kiến nghị sau:

  1. Có thể sử dụng bài thuốc Tam tý thang kết hợp điện châm, XBBH để điều trị HCTLH có thoái hóa CSTL (Yêu cước thống thể can thận hư kết hợp với phong hàn thấp).
  2. Cần tiếp tục nghiên cứu ở phạm vi sâu rộng hơn, chuyển dạng thuốc thành viên nang hoặc viên sủi để dễ sử dụng và bảo quản.

 

  ThS.BS. Nguyễn Văn Minh

Chủ tịch Hội Đông y huyện Gia Bình

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Fill out this field
Fill out this field
Vui lòng nhập địa chỉ email hợp lệ.
You need to agree with the terms to proceed