Sông Đuống- tuổi thơ tôi…

Sông Đuống  (còn gọi là sông Thiên Đức) là một con sông dài khoảng 70km, chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, nối sông Hồng và sông Thái Bình. Xung quanh đôi bờ sông Đuống có nhiều di tích lịch sử quý giá và lễ hội văn hóa lâu đời. Đây là nguồn tài nguyên du lịch vô giá của mảnh đất Kinh Bắc vốn không giàu tài nguyên thiên nhiên như các tỉnh thành có tiềm năng du lịch khác.

Ở miền đất này, mỗi bước đi đều chạm vào huyền thoại, văn hoá và lịch sử. Nếu phía Bắc Đuống là vùng đất phát tích vương triều Lý, triều đại khởi đầu nền văn minh Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc thì phía Nam Đuống lại đậm đặc dấu thiêng truyền thuyết về Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân-Âu Cơ là Thuỷ tổ dân tộc, mở ra thời đại các Vua Hùng dựng nước làm rạng rỡ non sông đất Việt.
Kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể do cộng đồng nhân dân Bắc Ninh sáng tạo ra trong lịch sử vô cùng to lớn và phong phú. Hiện nay, miền Quan họ đang sở hữu hàng nghìn di tích lịch sử, danh thắng, các đình đền chùa nổi tiếng, nơi lưu giữ hồn gốc Việt lâu đời nhất. Đó là chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp-trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Chùa Phật Tích, chùa Dạm là những Đại danh lam cổ tự thời Lý. Đền Đô nơi tôn thờ tám vị vua  nhà Lý có công khai mở nền văn minh Đại Việt. Chùa Bút Tháp-công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của thời Lê. Lăng Kinh Dương Vương thờ phụng Thủy tổ dân tộc có công khai mở đất nước; đền Vua Bà thờ Thủy tổ Quan họ; đền Cao Lỗ Vương thờ Tổ sư ngành quân khí; đền Lê Văn Thịnh thờ “Trạng nguyên” khai khoa đầu tiên; đền Xà với bài thơ thần Nam quốc sơn hà là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Đại Việt…
Thực không dễ gì để một vùng đất được định danh là đất văn hiến. Lịch sử văn hiến của quê hương Bắc Ninh được kết tinh, vun đúc và phản ánh sâu sắc, đa diện, đa chiều. Bắc Ninh-Kinh Bắc còn nổi tiếng là đất học với gần 700 vị đỗ đại khoa, hàng nghìn cử nhân, tú tài, được sử sách và dân gian ca ngợi và để lại dấu ấn là những di tích nho học như: Văn Miếu Bắc Ninh, Văn Chỉ ở các huyện, xã có nhiều đỗ đạt; đền, từ đường, nhà thờ của các dòng họ thờ các bậc khoa bảng, quê tôi xã Đào viên có nhà thờ họ Mai Trọng thờ 4 vị tiến sỹ, được lưu danh trên bia đá Quốc Tử Giám.

Tôi may mắn được sinh ra nơi xóm nhỏ bình yên trên vùng quê Kinh Bắc. Đó là dòng sông Đuống “ cát trắng phẳng lỳ” nằm “ nghiêng nghiêng “ ôm ấp chở che những làng mạc đôi bờ trong thơ ca nhà thơ vang danh Hoàng Cầm. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của thời gian dòng sông vẫn ân cần bên lở bên bồi, vẫn âm thầm oằn mình chở nặng phù sa cho  xanh xanh bãi chuối bờ dâu, bưởi cam sum suê, rau củ quả bốn mùa. Đời người đi qua buồn đau đến hạnh phúc an nhiên, dòng sông cũng khi vơi khi đầy đồng hành với những người dân quê tôi trong sướng khổ.Nhớ ngày trước những năm 90 của thế kỷ 20 khi các đập thuỷ điện còn hạn chế, hàng năm vào mù mưa lũ bao lỗi lo sợ lại ùa về.Cũng có những ngày sông nổi giận sục sôi gầm gào hung dữ, như muốn cuốn phăng đi, nhấn chìm tất cả, rồi sông lại thấy day dứt xót xa mà bù đắp bằng những lớp phù sa màu mỡ đôi bờ, sông lại hiền hoà êm đềm phẳng lặng. Những ngôi chùa cổ chứa trong mình những pho tượng cổ độc đáo, làng nghề, di tích lịch sử quý giá cũng như những lễ hội văn hoá lâu đời chạy dọc hai bên bờ sông như điểm xuyến tô thêm giá trị, nét đẹp cho dòng sông Đuống quê tôi.

Tôi lớn lên ở  bên này dòng sông Đuống yêu thương với tuổi thơ êm đềm, trong trẻo, có tiếng sáo diều du dương những chiều hè trên triền đê lộng gió, cùng lũ bạn chụm đầu vạch cỏ đổ nước bắt dế ven sông, chơi trò ú tìm giữa những bụi cây hay những bó rơm phơi chụp trên bờ đê, cởi áo chộp ong hút nhụy trên những vạt vừng.Giữa trưa nắng đứa ngắt lá chuối làm mũ nón, đứa kéo lưng áo trùm lên đầu, đứa để đầu trần rủ nhau bơi sông  băng qua bãi cát bỏng rát bàn chân ra sông bơi lội lặn ngụp, nắng gió nước sông nhuộm vàng hoe mái tóc, nước da mốc khoang đen nhẻm, làm cho ốm đau bệnh tật cũng phải dè chừng kiêng nể . Bên cạnh bờ đê quê tôi trước đây có một bãi rất rộng cứ vào mùa nước là chúng tôi lại san phẳng làm sân bóng, cứ hàng chiều là tập chung đá bóng tắm sông. Vào những buổi chiều hè, đâu đó trên bờ đê nhởn nhơ từng đàn trâu bò gặm cỏ, vài đứa trẻ hay người lớn nhàn hạ nằm dài trên cỏ mắt lim dim, dưới sông thấp thoáng mấy con thuyền, người lái điều khiển mái chèo bằng đôi chân một cách vô cùng thiện nghệ, thảnh thơi ngả lưng dựa vào chiếc bệ gỗ phía sau, cùng với cỏ cây sông nước hoà mình theo tiếng sáo diều khi dìu dặt, lúc trầm bổng du dương, gió nhẹ mơn man, sóng vỗ mạn thuyền, bao những vất vả muộn phiền thả xuống dòng sông cho nước cuốn đi .

Tôi đi lang thang dọc bờ sông tìm về miền ký ức, bờ bãi sông quê đã thay màu áo mới, vài khu nhà mái tôn xen lẫn giữa những đụn cát nhấp nhô, vẫn còn một số công trình khai thác cát chưa tháo rỡ hết. Tôi hoà vào dòng người bước chân lên chuyến đò ngang còn duy nhất tồn tại, mặt sông nước cuộn đục, lòng sông như đang oằn mình than thở, những hình ảnh dòng sông quê từ ký ức tuổi thơ cứ ẩn hiện trộn lẫn với dòng sông thực tại.

Mỗi dòng sông đều riêng mang những giá trị trong lòng, nếu như ta bất chợt bắt gặp một dòng sông ở nơi nào đó không phải quê nhà, thì trong lòng mỗi chúng ta, trong lòng bạn, trong lòng tôi đều có dòng sông của riêng mình.

Dòng sông quê thương nhớ!

                                                                          HOÀNG DUẨN tháng 3/2024

 

 

 

 


XEM THÊM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Fill out this field
Fill out this field
Vui lòng nhập địa chỉ email hợp lệ.
You need to agree with the terms to proceed