Phần 2: Ngã Ba Đồng Lộc- Khúc tráng ca bất tử
Chiến tranh đã lùi xa nhưng dấu tích của nó vẫn hàng ngày hiện diện trước mắt chúng ta. Nhân ngày Rằm tháng Giêng năm 2024, trong chuyến công tác Lễ dâng hương Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông và Hội nghị tổng kết thi đua của Hội Đông y tỉnh Bắc Ninh tổ chức tại Hương Sơn Hà Tĩnh, chúng tôi – đoàn cán bộ, hội viên Hội Đông y tỉnh Bắc Ninh đã tới thắp hương tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong toàn quốc, nơi có huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc. Họ – 10 cô gái thanh niên xung phong đang độ tuổi 20 đã nằm xuống nơi đây.
Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba này. Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này được mệnh danh là “tọa độ chết”.
Mọi người trong đoàn không thể tưởng tượng nổi khi biết rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh tới 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người – chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP phá bom, mở đường.
Đó là trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 TNXP thuộc Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh gồm 10 cô gái được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường thông xe sau đợt thả bom của máy bay địch. Tới khoảng 17h ngày 24/7/1968, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng cửa hầm nơi các cô trú ẩn. Tiếng bom ngớt. 5 phút, rồi 10 phút trôi qua không thấy các cô gái lao ra san lấp hố bom như mọi khi đồng đội, đã tỏa đi tìm. Nhưng họ mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình… Nhiều người trong đoàn mắt đã đỏ hoe. Xúc động và cảm thương khi nghe tấm gương chị Hồ Thị Cúc, 3 ngày sau đồng đội mới tìm thấy chị trong tư thế ngồi ngả bên chiếc cuốc, đầu đội nón. Đặc biệt, mười đầu ngón tay của chị đã bầm tím, trầy xước. Có lẽ khi bị đất vùi sâu dưới đáy hầm, chị đã dùng mười đầu ngón tay cố bới đất tìm đường sống để tiếp tục nhiệm vụ cao cả của người chiến sỹ. Nhưng chị cũng như bao đồng đội đã hy sinh anh dũng cho Tổ quốc, cho màu xanh nơi Ngã ba Đồng Lộc hôm nay. Câu chuyện về 10 nữ TNXP – một khúc ca bi tráng hết sức khâm phục và cảm động. Tại đài tưởng niệm các chị, ca khúc cùng tên được phổ nhạc từ bài thơ: “Cúc ơi em ở đâu” được phát vừa đủ với giọng ca nghẹn ngào nghe thật là não lòng. Đại diện trưởng đoàn của chúng tôi lần lượt thắp hương và đặt những bông hoa huệ trắng lên 10 ngôi mộ của các nữ liệt sĩ anh hùng. Tôi cố nén lòng mà đôi mắt nhòe ướt tự bao giờ!
10 cô gái Đồng Lộc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng và Ngã ba Đồng Lộc được công nhận là di tích lịch sử. Hơn thế, Ngã ba Đồng Lộc cùng 10 cô gái thanh niên xung phong đã trở thành huyền thoại trong lòng người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước. Mong rằng nơi suối vàng, linh hồn của các nữ thanh niên xung phong Đồng Lộc, những người đã đem cả bầu nhiệt huyết của tuổi đôi mươi, không tiếc máu xương mình góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc sẽ được an yên trên quê nhà…”
Ngày nay, Ngã ba Đồng Lộc là một quần thể di tích gồm nhiều hạng mục được nhà nước đầu tư xây dựng thành nơi tham quan rất sạch đẹp cũng là nơi để ghi lại dấu tích của cuộc chiến tranh hào hùng bảo vệ và thống nhất đất nước. Từng đoàn người nối tiếp tới Đồng Lộc thắp hương thăm viếng. Ngã ba Đồng Lộc – ngã ba huyền thoại trở thành một điểm hành hương tâm linh, một không gian tưởng niệm linh thiêng và bình yên của ngày mới!
Bích Liên- Đồng Lộc tháng 2/2024